Khẳng định thương hiệu sản phẩm

Thứ Tư 15:31 19/01/2022

ĐBP - Sau 3 năm (2019-2021) thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, toàn tỉnh đã có 44 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Để các sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ngành, địa phương, các chủ thể đã mạnh dạn mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Nhờ vậy, các sản phẩm đã dần hoàn thiện về mẫu mã, đa dạng về sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng.  

Bắt đầu sản xuất cà phê nguyên chất rang sao thủ công từ năm 2013. Được sự động viên, tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành huyện Mường Ảng, năm 2020, Cơ sở sản xuất cà phê Hà Chung, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) đã đăng ký tham gia sản phẩm OCOP. Hiện tại, cơ sở đã phát triển tạo ra 3 sản phẩm gồm: Cà phê bột nguyên chất (rang sao thủ công), cà phê mộc (đắp mặt, tắm trắng), sản phẩm cà phê dùng làm túi thơm. Trong 3 sản phẩm đó có cà phê bột nguyên chất (rang sao thủ công) đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Từ khi sản phẩm cà phê do cơ sở sản xuất cà phê Hà Chung được chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản phẩm OCCOP đã mang đến thương hiệu, uy tín cho cơ sở nói riêng và cà phê Mường Ảng nói chung trên thị trường.

Nếu trước đây, sản phẩm mật ong được bán thô cho lái buôn với giá thấp thì đến nay, mật ong của HTX Ong mật Điện Biên đã được chế biến thành nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Không chỉ đa dạng về chủng loại mà chất lượng sản phẩm cũng được HTX coi trọng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Với mục tiêu mang đến cho khách hàng những sản phẩm độc đáo, HTX Ong mật Điện Biên đã cho ra đời các sản phẩm mới, mang tính đặc trưng, như: Mật ong bánh tổ và mật ong đóng chai tự nhiên nguyên sáp… Sự đổi mới của HTX đã nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là khẳng định được thương hiệu của sản phẩm khi trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh.

Từ một nghề gia truyền, Cơ sở Rượu nếp 27 của bà Đinh Thị Nhân, thôn 2, xã Pom Lót, huyện Điện Biên đã lưu giữ và phát triển sản phẩm rượu cung cấp số lượng lớn ra thị trường. Mới đây, sản phẩm Rượu 27 đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận là 1 trong 9 sản phẩm xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Để sản phẩm OCOP nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng, Cơ sở Rượu nếp 27 không chỉ giữ vững chất lượng, thương hiệu mà còn không ngừng đổi mới để phát triển rộng rãi trên thị trường trong tương lai.

Đến nay, toàn tỉnh có 39 tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Trong đó có 6 đơn vị khối doanh nghiệp, 19 HTX và 14 cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh. Khi sản phẩm đã đăng ký tham gia vào chu trình OCOP thường niên của tỉnh, các chủ thể được tư vấn, hỗ trợ trong việc kiện toàn, hoàn thiện bộ máy quản lý, tổ chức sản xuất của chủ thể; hỗ trợ hoàn thiện về bao bì nhãn mác, chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn của Chương trình OCOP… Qua đó sản phẩm có cơ hội để vươn ra thị trường lớn, tham gia vào các chuỗi liên kết cung ứng và xuất khẩu ra nước ngoài.

Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và tạo dựng thương hiệu riêng của tỉnh Điện Biên. Việc các chủ thể phấn đấu để đưa các đặc sản địa phương trở thành sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, mà còn là một nội dung quan trọng trong xây dựng NTM, tạo lên những chuyển biến tích cực trong công cuộc xây dựng NTM của tỉnh nhà.