“Vành đai sống” trên biên cương Mường Nhé

Thứ Bảy 6:52 08/08/2020

ĐBP - Dù dầm mưa dãi nắng, ngủ rừng trong những túp lều tạm triền miên... nhưng những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh nơi biên cương Mường Nhé vẫn lặng thầm, kiên trì, chốt chặn trên biên ải, đảm bảo quốc phòng an ninh, ngăn không cho dịch Covid-19 xâm nhập qua biên giới. Các anh - những chiến sĩ biên phòng như “vành đai sống” nơi biên cương Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải tuyên truyền, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách.

Biên giới Mường Nhé mùa này ngày mưa, đêm sương mù dày đặc. Ở các chốt chặn trên đường mòn khu vực Đồn Biên phòng A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) quản lý xa nguồn nước, không có điện. Đặc biệt, ở chốn “thâm sơn cùng cốc” này có nhiều đường mòn, lối mở, ngoài tội phạm “cắt rừng” vận chuyển ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ người xuất, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly, lây lan dịch Covid-19. Nhiệm vụ của các chiến sĩ ở chốt dã chiến chống dịch vì thế càng cam go hơn.

Thiếu tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải trải lòng: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài 40,5km và 16 cột mốc (tuyến biên giới Việt - Trung dài 19,5km với 8 cột mốc; tuyến biên giới Việt - Lào dài 21km với 7 mốc và 1 cột mốc ngã ba biên). Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” ngay từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại (29/7), đơn vị đã thành lập 7 chốt chặn dọc tuyến biên giới tiếp giáp với 2 nước Lào - Trung Quốc… tạo thành vành đai khép kín. Hầu hết các chốt, trạm kiểm soát đều được lập trên tuyến đường mòn, lối tắt, do đó luôn ở trong tình trạng nhiều “không”: Không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại… Chốt đóng quân xa địa bàn dân cư nên cán bộ, chiến sĩ vừa phải thực hiện nhiệm vụ, vừa phải tự bảo đảm mọi sinh hoạt, ăn uống. Với quân số 21 cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm túc trực 24/24 giờ tại các điểm chốt, kịp thời phát hiện, kiểm soát người ra - vào khu vực biên giới, thực hiện cách ly đối với người trở về từ vùng dịch, đối tượng nghi nhiễm Covid-19. Từ ngày 29/7 đến nay, các chốt chặn của Đồn A Pa Chải đã bắt giữ 3 trường nhập cảnh trái phép, lập biên bản vi phạm và đưa về Xí nghiệp X79 để cách ly theo quy định.

Ngoài chốt chặn trên các tuyến biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải còn tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, kiên trì bám bản, bám biên giới, vận động bà con không xuất cảnh trái phép, mỗi gia đình xác định là một “pháo đài” ngăn chặn dịch Covid-19 trên dải biên cương. Tuyên truyền để các thành viên trong mỗi gia đình luôn tự giác giữ gìn vệ sinh nơi ăn, ở, sinh hoạt; đồng thời cam kết thực hiện “4 không”: Không tổ chức ăn uống, tụ tập đông người; không đi; không dẫn - rủ và không cho vợ (chồng), con cái sang bên kia biên giới thăm thân, làm ăn, buôn bán trái quy định trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Có đến biên giới vào những ngày này mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ nơi tuyến đầu đang hàng ngày đối mặt. Ghé thăm lán trại trên chốt khu vực mốc 5, chúng tôi càng cảm phục hơn sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ quân hàm xanh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chốt giữ nơi tuyến đầu. Với họ “Rừng đã là nhà, lều bạt dã chiến thành nơi nghỉ ngơi”. Khuôn mặt hốc hác, đen sạm, Thiếu úy Ngô Văn Tư, Đội phó Đội phòng chống Ma túy và Tội phạm (Đồn Biên phòng A Pa Chải) chia sẻ: “Suốt đêm qua mưa rừng ầm ầm như thác đổ, cán bộ, chiến sĩ tổ công tác khu vực mốc 5 phải thay nhau giữ cột lều cho khỏi đổ... Đang vào mùa mưa nên việc tuần tra, kiểm soát cũng gặp rất nhiều khó khăn vất vả; có nhiều đoạn chúng tôi phải đi bằng tay, bấu víu vào cây, vào đá mà đu xuống; gặp đoạn lên dốc thẳng đứng, vừa lên đỉnh núi xong lại phải bò xuống thác rồi lại leo lên”.

Ở chốt chặn nằm trong rừng sâu, heo hút đã hơn 6 tháng (từ khi dịch Covid-19 bùng phát), Thiếu úy Ngô Văn Tư và nhiều đồng đội chưa một lần về thăm vợ, con; có đồng chí mẹ ốm nằm viện, vợ sinh con... nhưng vì nhiệm vụ các anh vẫn gác lại tình riêng, chắc tay súng ngày đêm gác biên. Nơi biên cương xa xôi, sóng điện thoại chập chờn, thi thoảng các anh mới liên lạc được với vợ con để vơi nỗi nhớ nhà. “Biết vợ, con lo cho mình nơi biên cương xa xôi, hẻo lánh, nhất là ở các chốt chặn thiếu thốn đủ bề, nhưng tôi vẫn động viên để vợ yên tâm, bởi đã là Bộ đội Cụ Hồ thì trong bất cứ hoàn cảnh, khó khăn nào, khi Tổ quốc cần tôi cũng sẵn sàng lên đường và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” - Thiếu úy Ngô Văn Tư chia sẻ.

Không chỉ “ăn lán, ngủ rừng” mà nhiều cán bộ, chiến sĩ phải đổ cả máu để giữ bình yên cho biên giới. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trong khi tuần tra, kiểm soát đường biên khi đêm tối, những cơn mưa rừng khiến đường trơn, cây rừng phủ kín bị trượt ngã trầy xước chân tay phải băng bó hay những trận sốt rừng, muỗi, vắt bò lổm ngổm trên người... Như trường hợp của binh nhì Lò Văn Tâm (chiến sĩ Đội vũ trang, Đồn Biên phòng A Pa Chải) trong quá trình tuần tra, kiểm soát đã không may dẫm phải bẫy kiềng dùng để bẫy thú rừng của người dân. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều động viên nhau vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Như những lá chắn thép miền biên cương, các chiến sĩ quân hàm xanh đã và đang hi sinh thầm lặng, góp phần tạo nên “vành đai sống” nơi tuyến đầu chống dịch ở vùng biên.

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu khẳng định: “Mặc dù là xã có đường biên giới tiếp giáp với 2 nước Trung Quốc, Lào, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua biên giới, nhưng do làm tốt công tác phòng, chống, kiểm soát tình hình qua lại biên giới từ rất sớm nên tới thời điểm này, nhân dân trong xã vẫn an toàn tuyệt đối trước dịch Covid-19. Thành công đó là nhờ sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và lực lượng vũ trang trên địa bàn. Trong đó Đồn Biên phòng A Pa Chải là lực lượng nòng cốt tham mưu, đề xuất, hỗ trợ, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tạo “vành đai sống” an toàn trên biên cương cực Tây của Tổ quốc”.