Tham gia góp ý vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025

Phát triển công thương theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh

Thứ Tư 9:50 22/07/2020

ĐBP - Tham gia vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, ngành Công Thương đã có nhiều ý kiến bổ sung, điều chỉnh các kết quả đạt được ở nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng thời làm rõ thêm một số nội dung về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp, kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch; công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nêu những kết quả nổi bật của ngành Công Thương trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, như: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 13.002,2 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 7,79%/năm; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 353,46 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 21,13%/năm...

Ông Vũ Hồng Sơn, quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tôi nhận thấy báo cáo đã đánh giá toàn diện, khách quan, trúng, đúng và sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đối với kết quả của ngành, Sở Công Thương đề nghị điều chỉnh, bổ sung tại mục 2.3, phần I: “Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 13.877,4 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 10,66%/năm; trong đó, năm 2020 ước đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015”.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Sở Công Thương nhất trí với dự thảo báo cáo. Để phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, an toàn và hiện đại, ngành Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp trọng tâm, như: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến (nông sản và thực phẩm theo chuỗi liên kết); đầu tư hạ tầng phát triển các cụm công nghiệp; đầu tư phát triển toàn diện kinh tế cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Huổi Puốc, đề xuất Chính phủ nâng cấp lối mở A Pa Chải thành cửa khẩu chính; tiếp tục vận hành, khai thác ổn định, có hiệu quả các nhà máy thủy điện, đầu tư xây dựng các công trình thủy điện nhỏ, các dự án năng lượng sạch.

Mới đây, tại buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Công Thương tại Điện Biên, đại diện các vụ, cục trực thuộc Bộ đã bổ sung, đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp về lĩnh vực công thương trong dự thảo Báo cáo chính trị của tỉnh.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), đánh giá: “Nhìn chung, tỉnh Điện Biên không có điều kiện phát triển công nghiệp và dịch vụ như các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, song ngành Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ số tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Dự thảo Báo cáo chính trị của tỉnh, trong phần cơ cấu và thu hút đầu tư đã đề ra danh mục các dự án tập trung thu hút đầu tư để phát triển ngành Công Thương, nhất là thu hút về thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tỉnh có những hạn chế nhất định, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI (đầu tư nước ngoài). Về vấn đề này, chúng tôi cam kết với tỉnh sẽ có hướng, kế hoạch dẫn dắt một vài nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư FDI vào các dự án trên địa bàn nhằm thúc đẩy thương mại nội địa gắn với phát triển du lịch. Thực hiện được điều này mới đảm bảo được cơ cấu theo hướng mục tiêu của tỉnh. Vụ Kế hoạch cam kết xây dựng chương trình hỗ trợ từ nguồn lực Nhà nước cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc hoạt động trong các lĩnh vực công thương”.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Báo cáo chính trị của tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy việc xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Trên cơ sở đó, Cục sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ tỉnh Điện Biên thực hiện xúc tiến thương mại qua môi trường thương mại điện tử. Cụ thể, Cục sẽ tổ chức các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp để thực hành thương mại điện tử và quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử. Hiện nay, Cục đang tổ chức khóa đào tạo đầu tiên về thương mại điện tử tại TP. Điện Biên Phủ. Thương mại điện tử là hình thức khắc phục được nhược điểm của tỉnh Điện Biên về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, nguồn lực doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại. Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với tỉnh trong việc xây dựng các chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản đặc sản như: Chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng… Hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế bao bì mẫu mã sản phẩm và bộ nhận diện thương hiệu các sản phẩm.