Nhân dân đóng góp ý kiến về xây dựng Đảng

Thứ Năm 15:53 30/07/2020

ĐBP - Nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu tại Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề cập tới vấn đề xây dựng Đảng để tiếp tục đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng… đón nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nùng Văn Trung, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV điều ông tâm đắc nhất là công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm, đánh giá sát thực cũng như đưa ra nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Đó là công tác tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Thực hiện nghiêm quy định, quy trình về công tác cán bộ; nâng cao chất lượng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã, địa bàn trọng yếu. Nghiên cứu để từng bước thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nâng cao chất lượng tổ chức đảng, nhất là các chi, đảng bộ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên…

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đảng viên góp phần lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị thì cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu… (trang 35 dự thảo) cần xem xét rà soát lại đề án quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ dân tộc ít người (trường hợp chưa đầy đủ, chưa hợp lý thì tiếp tục bổ sung). Trong quá trình giới thiệu nhân sự, cần quy định rõ trách nhiệm đối với người giới thiệu nhân sự, nhất là những người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị; những người làm công tác tổ chức, cán bộ để tránh giới thiệu người thân quen, những người cơ hội, không đủ tiêu chuẩn vào các cương vị lãnh đạo, quản lý.

Tham gia giải pháp về chính trị, tư tưởng (trang 45 dự thảo), ông Trung đề nghị xem xét, bổ sung ý cùng với việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống… cần quan tâm giáo dục về phong cách làm việc, nói đi đôi với làm, tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, trung thực, tâm huyết, sâu sát cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dân, cho cán bộ, đảng viên.

Quan tâm nhiều đến các giải pháp về xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; ông Nguyễn Văn Xuân, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) cho rằng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV rất sát thực tế, phù hợp với tình hình của địa phương. Tuy nhiên, theo ông Xuân trong xác định khâu đột phá chiến lược, khâu đột phá thứ 3 về phát triển nguồn nhân lực (trang 32 dự thảo) cần quan tâm cả 2 mặt. Một mặt là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ cao, có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực thực hiện nhiệm vụ; mặt khác là xây dựng đội ngũ cán bộ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.

Ông Xuân cho rằng, để thực hiện thành công Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV như dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đề ra thì công tác tuyển chọn cán bộ là khâu quan trọng nhất. Vì vậy Đại hội cần loại những người tham vọng quyền lực, danh vọng; ba phải không dám đấu tranh, nể nang né tránh, ít cống hiến, nói nhiều làm ít. Cần đưa vào cấp ủy những người tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, có tài cống hiến, không vì tư lợi cá nhân, vì dân phục vụ.

Nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng (trang 48) là đặc biệt cần thiết và quan trọng. Vì việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị không chỉ nhấn mạnh đối với các cấp chính quyền mà cần phải quan tâm nhiều hơn việc đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Bởi nếu các tổ chức này làm tốt nhiệm vụ của mình sẽ góp phần cùng với chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội. Để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, có nhiều việc phải làm, trong đó cần chú ý xây dựng các cấp ủy từ cơ sở đến tỉnh vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, giản dị vừa phải là trung tâm đoàn kết, đứng đầu là đồng chí bí thư cấp ủy. Phải luôn luôn thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ Đảng, nội bộ cấp ủy, nội bộ ban thường vụ cấp ủy. Thời gian qua ở số tỉnh, thành phố, hoạt động của cấp ủy nhất là người đứng đầu đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm pháp luật, đã bị xử lý.

Ông Xuân cũng đề nghị cân nhắc và làm rõ hơn việc đánh giá trong công tác tổ chức xây dựng Đảng (trang 16) cần đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công tác nhận xét, đánh giá cán bộ nền nếp, chặt chẽ, đảm bảo công tâm khách quan, việc xếp loại tổ chức đảng, đảng viên có đảm bảo đúng thực chất? Đối với công tác phát triển đảng viên nhất là phát triển đảng viên tại các thôn bản là cần thiết song cần nghiên cứu quan tâm hơn việc phát triển Đảng tại các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể chính trị.