Nghị quyết trồng rừng ở Mường Nhé không đạt mục tiêu: Bài học từ thiếu bám sát thực tiễn

Bài 3: Chậm giải quyết, dân chịu thiệt

Thứ Tư 9:35 06/10/2021

ĐBP - Không những không đạt chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, hiện nay nhiều diện tích keo (thực trồng) của người dân chưa được nghiệm thu thanh toán, hỗ trợ. Cùng với đó, cơ quan chức năng chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tham gia trồng rừng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Bài 1: Viễn cảnh tươi sáng

Bài 2: Kỳ vọng lớn, thất vọng nhiều

Trưởng bản Giàng A Xà, bản Chà Nọi 1, xã Quảng Lâm chỉ diện tích rừng trồng chưa được lập hồ sơ thiết kế. Ảnh: P.V

Nhiều diện tích chưa lập hồ sơ thiết kế

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 931,65ha rừng sản xuất đã trồng thì chỉ có hơn 754ha được lập hồ sơ thiết kế, còn lại chưa được cơ quan chức năng, chủ đầu tư lập hồ sơ thiết kế và 264ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Ðặc biệt, toàn bộ diện tích trồng rừng sản xuất năm 2018 (hơn 181ha do UBND các xã làm chủ đầu tư) vẫn chưa được xây dựng hồ sơ thiết kế trình huyện thẩm định và phê duyệt. Trong đó, nhiều nhất xã Pá Mỳ với 57,1ha; Mường Toong: 45,3ha; Chung Chải: 32,2ha; Nậm Kè: 24,1ha; Quảng Lâm: 6,2ha...

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Dự án trồng keo được chia thành 2 giai đoạn, gồm: Năm 2016 do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư; còn từ năm 2017 huyện giao cho UBND các xã làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Ðối với những diện tích do phòng làm chủ đầu tư, đến nay cơ bản đã có hồ sơ thiết kế, trừ diện tích trồng rừng sản xuất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (gần 264ha) dẫn đến khó khăn trong việc thiết kế, lập hồ sơ trồng rừng, nghiệm thu, thanh toán chế độ. Còn những diện tích chưa được lập hồ sơ thiết kế chủ yếu là do UBND các xã làm chủ đầu tư.

Tìm hiểu tại cơ sở, chúng tôi được biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích chưa được xây dựng hồ sơ thiết kế, trong đó cả khách quan lẫn chủ quan.

Lý giải việc 24,17ha rừng trồng chưa được lập hồ sơ thiết kế, ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè cho biết: Diện tích trồng năm 2017 đã được lập hồ sơ, thiết kế do có tổ công tác của tỉnh tăng cường vào địa bàn giúp. Còn năm 2018 thì đoàn công tác của tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về nên xã không nhờ được đơn vị nào giúp đỡ, do đó 24,17ha rừng trồng chưa có hồ sơ. Về phía xã thì không có tiền thuê đơn vị lập hồ sơ thiết kế (khoảng 10 triệu đồng). Xã đã báo cáo lên huyện tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn trích tiền chi thường xuyên của xã và từ nguồn vốn 30a để bố trí kinh phí đo đạc thiết kế diện tích trồng keo. Tuy nhiên làm như vậy là không đúng quy định nên xã không thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Dự án trồng keo bất đầu từ năm 2016, sử dụng vốn sự nghiệp của Chương trình 30a. Thời gian đầu huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư thì mọi thủ tục hồ sơ thiết kế đều đảm bảo và đã giải ngân nguồn vốn, cũng như hỗ trợ chế độ, chính sách cho người dân tham gia. Nhưng từ năm 2017 huyện bàn giao về cho xã làm chủ đầu tư, đến nay một số diện tích không có hồ sơ thiết kế nên không thể thanh toán được. Trong khi đó, nguồn vốn sự nghiệp Chương trình 30a không đủ đáp ứng. Cùng với đó, nhiều diện tích chưa được quy chủ do nhiều hộ chưa hiểu rõ lại trồng vào đất nương hoặc diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, trong khi chủ trương của huyện là trồng rừng sản xuất phải nằm trong quy hoạch 3 loại rừng khiến cho nhiều xã chưa có hồ sơ thiết kế.

Việc lập hồ sơ thiết kế là điều kiện bắt buộc để cơ quan chức năng căn cứ, nghiệm thu thanh toán, hỗ trợ các chế độ, chính sách của Nhà nước. Thế nhưng, suốt từ năm 2018 đến nay, những diện tích này vẫn chưa được lập hồ sơ thiết kế. Thiệt thòi nhất vẫn là người dân khi không được hưởng hỗ trợ tiền, gạo và cũng không thể canh tác các loại cây trồng khác trên những diện tích này.

Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Ông Giàng A Xà, bản Chà Nọi 1, xã Quảng Lâm cho biết: Chà Nọi 1 là một trong những bản có diện tích trồng keo lớn nhất xã Quảng Lâm. Cả bản có khoảng 20 hộ gia đình tham gia dự án trồng keo. Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng đã đo đạc từ lâu, nhưng đến nay đa số các hộ tham gia đều chưa được cấp. Lý do phía huyện đưa ra là một số diện tích phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không thuộc quy hoạch 3 loại rừng nên không thể cấp sổ đỏ được. Vì vậy đến nay cả bản chỉ có 2 hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đảm bảo chế độ chính sách cho người trồng rừng và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để người dân yên tâm sản xuất.

Ông Vũ Văn Toàn, cán bộ địa chính xã Quảng Lâm cho biết: Năm 2016, cả xã trồng được 93,53ha rừng (do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư); đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 25 hộ gia đình, cá nhân với 26 thửa/214.360m2. Năm 2017 xã làm chủ đầu tư trồng được 29,55ha, UBND xã đã làm hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4 hộ gia đình, cá nhân với 5 thửa/24.900m2 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Còn đối với những trường hợp trồng ngoài quy hoạch 3 loại rừng thì sẽ không được cấp sổ đỏ. Ðây thuộc thẩm quyền của UBND huyện và cần phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất quy hoạch rừng. Bên cạnh đó, sự chồng chéo giữa các loại bản đồ gây khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tham gia trồng rừng sản xuất.

Không riêng trên địa bàn xã Quảng Lâm, hầu hết những diện tích trồng rừng từ năm 2017 trở lại đây trên địa bàn huyện đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, trong tổng diện tích đã trồng rừng sản xuất (931,65ha), đến thời điểm hiện nay mới chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 98,91ha, cho 133 hộ; còn 420 hộ chưa được cấp.

Về vấn đề này, ông Lò Văn Chiên, Phó Chủ tịch HÐND huyện Mường Nhé cho biết: Qua giám sát, thì đối với diện tích trồng rừng năm 2017 do các xã không rà soát, lập tờ trình xin giao đất cho các hộ gia đình nên cơ quan chức năng không có cơ sở để tham mưu cho UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, một số diện tích chưa được cấp do trùng với diện tích quy hoạch các điểm Ðề án 79, các dự án xây dựng đường giao thông, các diện tích rừng đã giao theo Kế hoạch số 388/KH-UBND ngày 20/02/2013 của UBND tỉnh, diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trồng cây cao su, diện tích không thuộc quy hoạch 3 loại rừng và sai khác thông tin chủ sử dụng đất giữa hồ sơ trồng rừng với các tài liệu khác có liên quan. Bên cạnh đó phần lớn diện tích trồng rừng chưa thể giao đất cho hộ gia đình do chồng chéo quy hoạch; do các hộ dân tự ý trao đổi đất…

Bài 4: Khó chồng khó