Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Trồng rừng ở Si Pa Phìn: Khi Nghị quyết xa rời thực tiễn (bài 2)

Thứ Tư 10:34 13/10/2021

Bài 2: Xây dựng Nghị quyết theo kiểu “bốc thuốc”

ĐBP - Nghị quyết số 20-NQ/ĐU ngày 10/9/2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Si Pa Phìn khóa VI, nhiệm kì 2015 - 2020 “Về bảo vệ và phát triển rừng xã Si Pa Phìn giai đoạn 2016 - 2020”, sau 5 năm triển khai nhiều nội dung không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Bởi lẽ ngay từ trong việc xây dựng Nghị quyết đã không xây dựng một cách khoa học, bài bản; chưa gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương. Quá trình triển khai Nghị quyết chưa có sự đồng thuận thống nhất cao giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Triển khai theo kiểu nửa vời, không có sự kiểm tra, giám sát đánh giá của cấp ủy chính quyền địa phương.

Bài 1: Kết quả Nghị quyết thấp chưa từng có

Nhiều diện tích rừng trồng và đất nương của người dân trên địa bàn xã Si Pa Phìn thuộc quy hoạch diện tích đất của Công ty Cổ phần Lâm Biên.

Nghị quyết chưa từ thực tế

Là xã thuần nông đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 43,65%). Tổng diện tích cây lương thực có hạt trên địa bàn thấp, ước 754,7ha (trong đó, diện tích lúa nương 351ha, ngô 86,5ha…). Những năm gần đây người dân trên địa bàn xã không còn tha thiết với nông nghiệp, với trồng rừng; số người dân đi lao động ngoại tỉnh ngày càng tăng. Bởi thực tế, người dân trồng lúa nương từ tháng 4 đến tháng 11 mới được thu. Năng suất trung bình đạt khoảng 13 tạ/ha, giá thóc trung bình từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Như vậy, trung bình 1ha lúa nương thu được từ 8 - 10 triệu đồng/vụ, chưa trừ công chăm sóc, vốn đầu tư (chỉ làm được 1 vụ/năm). Người dân làm lúa chỉ đủ ăn, nhà nào nhiều thì bán được 5 - 7 bao thóc; năm nào mất mùa thì phải đi mua thóc về ăn. Trong khi đó người dân đi làm thuê ở các tỉnh miền xuôi thấp nhất cũng được 7 triệu đồng/tháng cơm nuôi. Đi làm 1 tháng mua được 1 tấn thóc, bằng ở nhà làm cả năm.

Ông Vàng A Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ: Nghị quyết “Về bảo vệ và phát triển rừng xã Si Pa Phìn giai đoạn 2016 - 2020” đã được xây dựng theo kiểu “bốc thuốc”, chưa căn cứ vào tình hình thực tế…

Kinh tế từ nông nghiệp, lâm nghiệp hiệu quả chưa cao, chưa tạo động lực để người dân, cộng đồng dân cư, thành phần kinh tế khác tham gia trồng rừng. Việc Ban Chấp hành Đảng bộ xã Si Pa Phìn khóa VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa ra mục tiêu trồng mới 50ha rừng, trồng 10.000 cây phân tán các loại; phấn đấu nâng độ che phủ rừng toàn xã lên 19% vào năm 2020… là nhiệm vụ bất khả thi. Khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, vẫn phải chạy ăn từng bữa thì việc người dân gắn bó với trồng rừng là điều không thể. “Có thực mới vực được đạo”, người dân không thể trồng rừng bằng “cái bụng đói”. Bởi trồng rừng là việc lâu dài, nhanh cũng phải từ 3 - 5 năm mới có sản phẩm, lâu hơn thì từ 7 - 10 năm.

5 năm qua trên địa bàn xã Si Pa Phìn không có vụ cháy rừng và khai thác trái phép xảy ra (theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa VI, nhiệm kì 2015 - 2020). Tuy nhiên tỷ lệ độ che phủ rừng đến cuối nhiệm kỳ chỉ tăng 0,01% so với đầu nhiệm kỳ, đạt 0,07% mục tiêu Nghị quyết đề ra; công tác trồng rừng chỉ đạt 49,2% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Kết quả này đã phần nào chỉ ra việc xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Si Pa Phìn khóa VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xa rời thực tế, chưa căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương. Về diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh không trồng bổ sung có khả năng phát triển thành rừng trong nhiệm kỳ; diện tích rừng trồng; nhu cầu trồng rừng của người dân trên địa bàn; loại cây mang lại giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương… để đưa ra các mục tiêu cụ thể. Xây dựng Nghị quyết theo kiểu “bốc thuốc” xa rời thực tế. Đồng thời, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở; công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Nghị quyết của cấp ủy cấp trên.

Triển khai kiểu nửa vời

Từ việc xây dựng Nghị quyết không gắn với thực tiễn cơ sở, với nhu cầu của người dân dẫn đến việc triển khai cũng theo kiểu "được chăng hay chớ" làm cho xong. Chương trình dự án trồng rừng cấp cây giống không đúng theo nhu cầu và nguyện vọng đăng ký của người dân, khiến người dân không tha thiết trồng rừng. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2016, người dân bản Tân Phong và một số bản trên địa bàn xã đăng ký trồng cây bạch đàn, nhưng chính quyền cung cấp giống cây thông nên nhiều hộ trong bản đã bỏ không trồng, đem cho người khác hoặc chỉ trồng theo kiểu đối phó cho xong (trồng 0,5 - 1m/cây) không đúng mật độ, khoảng cách theo quy định.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù căn cứ vào kết quả Dự án Đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ Si Pa Phìn và Phìn Hồ của Công ty Cổ phần Lâm Biên (sau đây gọi tắt là Công ty Lâm Biên) để xây dựng mục tiêu Nghị quyết. Nhưng khi đề ra phương hướng nhiệm vụ trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Si Pa Phìn và Nghị quyết “về công tác bảo vệ phát triển rừng xã Si Pa Phìn giai đoạn 2016 - 2020”, không hề nhắc đến Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ Si Pa Phìn và Phìn Hồ của Công ty Lâm Biên để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Trong khi đó Dự án đã được triển khai trên địa bàn từ năm 2009 đến nay, có diện tích phê duyệt trồng rừng sản xuất lên tới 2.500ha (trên địa bàn 2 xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ) với tổng vốn đầu tư trên 162 tỷ đồng. Kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại bản Chăn Nuôi xã Phìn Hồ với diện tích 5ha, công suất nhà máy tối đa 5.000m3 sản phẩm/năm. Theo kết luận của Đoàn nghiệm thu liên ngành (ngày 18/10/2014) về việc nghiệm thu rừng trồng 3 năm (từ 2009 - 2011) thuộc Dự án Đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ Si Pa Phìn và Phìn Hồ của Công ty Lâm Biên. Tổng diện tích rừng trồng trong 3 năm của Công ty đủ điều kiện nghiệm thu 43,2ha. Trong khi Kế hoạch trồng rừng 3 năm của Công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 342/QĐ-UBND tỉnh, ngày 30/3/2010 là 2.500ha. Tuy nhiên, Công ty Lâm Biên mới chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ 43,2ha (đạt 1,7% so với kế hoạch trồng rừng được duyệt). Đến nay, sau 7 năm kể từ ngày kiểm tra nghiệm thu (năm 2014), Dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”, kết quả mang lại chỉ là sự bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể, diện tích 6,94ha rừng trồng thông và toàn bộ đất ở của 82 hộ dân bản Sân Bay (xã Si Pa Phìn) thuộc diện tích đất quy hoạch của Công ty Lâm Biên.  Hay gia đình anh Vàng A Dũng, bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn có hơn 30ha khoanh nuôi làm trại chăn nuôi trâu bò và bảo vệ rừng từ năm 1989 đến nay, cũng thuộc vào đất quy hoạch của Công ty Lâm Biên. Anh Dũng chia sẻ: Năm 2011, gia đình tôi có khoảng 12ha đủ điều kiện khoảnh nuôi tái sinh nhưng sau khi đo xong gia đình mới biết thuộc vào diện tích đất của Công ty Lâm Biên. Qua kiến nghị của gia đình và chính quyền xã, đã được Công ty đồng ý giao lại diện tích gần 12ha cho gia đình để đưa vào diện tích khoanh nuôi tái sinh. Từ năm 2014 đến nay, gia đình đã nhận tiền chi trả DVMTR tổng cộng trên 50 triệu đồng. Hiện nay, diện tích còn lại trong tổng số 30ha rừng của gia đình đã đủ điều kiện khoanh nuôi tái sinh nhưng cũng nằm trong quy hoạch đất của Công ty Lâm Biên nên chưa thể đưa vào diện khoanh nuôi tái sinh. Điều này khiến gia đình rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng.

Từ việc trông chờ hoàn toàn vào kết quả Dự án Đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ Si Pa Phìn và Phìn Hồ của Công ty Lâm Biên; không có sự kiểm tra, giám sát, để linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết dẫn đến khi Dự án “nằm trên giấy” thì các mục tiêu về trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn xã cũng chung “số phận”. Để xảy ra thực trạng trên không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Si Pa Phìn khóa VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên. Bởi trong quá trình xây dựng, triển khai Nghị quyết được theo dõi sát sao, có sự kiểm tra giám sát của cấp ủy cấp trên, thì kết quả thực hiện Nghị quyết có thể không đạt về mục tiêu tỷ lệ độ che phủ rừng của toàn xã nhưng cũng không để xảy ra tình trạng một Dự án trồng rừng triển khai không đạt hiệu quả kéo dài nhiều năm trên địa bàn gây bức xúc trong nhân dân.

Bài 3: Để Nghị quyết thực sự “sống”