Ngăn chặn thông tin hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng

Thứ Hai 15:13 02/03/2020

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nêu rõ, việc hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng là một trong những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Hiện nay, những thông tin “bẩn” dạng trên đang được phát tán nhanh chóng trên internet, nhất là các mạng xã hội, đòi hỏi cần phải được ngăn chặn kịp thời cũng như giải thích thỏa đáng để nhân dân hiểu đúng và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

1. Thường mỗi khi trong nước xảy ra một sự kiện quan trọng nào đó là ngay tức khắc các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lại tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ nhằm vu cáo chính quyền, hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng. Với vụ việc chưa xử lý triệt để thì sẽ là những thông tin chỉ trích, còn nếu là thông tin tích cực thì các đối tượng cho rằng đã được “thổi phồng”. Đáng chú ý, trong nhóm thường xuyên đưa thông tin “bẩn” lên mạng xã hội có cả những người từng là cán bộ, thậm chí từng giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong đơn vị, cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương. Điều này đã khiến một bộ phận nhân dân hoài nghi, thiếu an tâm.

Gần đây nhất là kết quả bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam cũng đã bị xuyên tạc phủ nhận trên mạng xã hội. Nhiều đối tượng không có kiến thức y tế nhưng rêu rao, Việt Nam không thể dập được dịch này vì các nước phát triển có nền y học hiện đại đang chật vật chống đỡ. Chưa dừng lại, bất chấp kết luận của các cơ quan chuyên môn về trường hợp nữ sinh ở Thừa Thiên - Huế và người Hàn Quốc ở Bắc Ninh tử vong do bệnh lý khác, các đối tượng vẫn khẳng định những người này chết vì Covid-19. Để ngăn chặn, cơ quan chức năng đã triệu tập, xử lý gần 200 trường hợp có hành vi tung tin thất thiệt về dịch Covid-19, trong đó nhiều trường hợp bị phạt tiền ở mức cao.

Những thông tin xuyên tạc đó không che lấp được sự thật. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã theo sát tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, từ đó ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được. Tương tự, từ ngày 28-2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng. Đại diện của CDC còn lên kế hoạch thăm nước ta trong tháng 3-2020 để tăng cường các hoạt động hợp tác y tế giữa hai nước và thúc đẩy việc thành lập văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam… Thực tế này là “cái tát” thích đáng dành cho những đối tượng thường tìm cách “bôi bẩn” tình hình đất nước.

Trước đó, trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), nhiều thông tin tiêu cực, không có tính xây dựng cũng xuất hiện trên mạng xã hội, trong đó có việc kiến nghị Nghị viện châu Âu hoãn việc xét, phê chuẩn EVFTA. Nhiều đối tượng lu loa rằng, Việt Nam chỉ hứa hẹn suông, gia tăng “đàn áp” đối với các nhà “bảo vệ nhân quyền”, “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động môi trường”; luôn hình sự hóa quyền tự do biểu đạt, lập hội của người dân. Sau khi không đạt mục đích, các đối tượng lại “phân tích” và khẳng định Việt Nam sẽ trở thành thị trường của EU, từ đó tự “xiết cổ, bóp chết” nền sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước.

Có thể thấy, việc đưa thông tin “bẩn”, thông tin hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng sẽ tiếp tục được các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đẩy mạnh. Nếu cán bộ, đảng viên và nhân dân không tỉnh táo, thường xuyên tiếp cận với thông tin lệch lạc như kể trên sẽ dễ dẫn đến bi quan, từ đó phai nhạt lý tưởng cách mạng.

2. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Từ việc các đối tượng phản động thường xuyên tung tin “bẩn”, phủ nhận thành quả cách mạng đã dẫn tới hiện tượng “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu” và tất dẫn đến “chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Để ngăn chặn hiện tượng này, để trò tung thông tin “bẩn”, nói xấu, vu khống, phủ nhận thành quả cách mạng hết đất diễn thì cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm.

Một là, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần minh bạch thông tin và định hướng người dân một cách đầy đủ, chi tiết, kỹ càng hơn, qua đó để người dân nắm được quyền, nghĩa vụ trong thực thi trách nhiệm công dân ở từng việc cụ thể. Thực tế cho thấy, việc minh bạch thông tin, dân chủ trong cách làm và làm đúng, làm hợp lòng dân thì luôn nhận được sự đồng thuận cao của người dân và xã hội, qua đó tạo ra sức mạnh đoàn kết, xây lên “bức tường tư tưởng” vững chắc, phòng, chống có hiệu quả các hiện tượng xuyên tạc, bóp méo, vu khống, bôi nhọ, nói xấu và phủ nhận thành quả cách mạng.

Bên cạnh đó cũng cần có các biện pháp giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân tự nâng cao nhận thức, tỉnh táo khi tiếp thu thông tin qua đó để tự sàng lọc, “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn xã hội.

Hai là, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường quản lý, nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến tư tưởng, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Kiên quyết không để xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng móc nối, lôi kéo, kích động. Thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về quản lý công văn giấy tờ, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào trong nội bộ.

Cấp ủy các cấp cũng cần thường xuyên rà soát, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Trong đó, những đảng viên đưa thông tin sai trên mạng xã hội cần được giáo dục và nếu vi phạm nhiều lần thì phải lập hồ sơ để xử lý thích đáng.

Ba là, chủ động đấu tranh, ngăn ngừa thông tin xấu độc, những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Trong đó, cần phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, những thông tin giả mạo, sai lệch, chống phá của các đối tượng xấu. Cần cổ vũ những bài viết có “sức nặng”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” nhằm đập tan những luận điệu xuyên tạc.

Bốn là, các cơ quan chức năng cần phát hiện, xử lý kiên quyết những trường hợp thông tin sai sự thật theo Luật An ninh mạng; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Để không rơi vào ma trận thông tin sai lệch, vấn đề tiên quyết là mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao bản lĩnh chính trị, nêu gương, nói và làm chuẩn mực, thuyết phục người dân bằng việc làm cụ thể, ý nghĩa. Đây cũng là cách để chặn đứng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có nguy cơ hiện hữu trong mỗi cá nhân.