HƯỚNG VỀ BIỂN ÐẢO TỔ QUỐC

Giám sát hành trình với tàu cá

Thứ Bảy 11:09 23/01/2021

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất nhập bến, gắn thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, ngăn chặn, xử lý các tàu cá vi phạm. Những nỗ lực này nhằm chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp diễn ra nhiều năm nay và hướng tới phát triển nghề cá bền vững, hội nhập quốc tế.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã khiến xuất khẩu hải sản của Việt Nam sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang các nước Liên minh châu Âu (EU) giảm 6%; năm 2019, giảm 15% và 9 tháng đầu năm 2020 tiếp tục giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Dù giảm nhưng EU vẫn là thị trường lớn với giá trị thương mại cao, có tính định hướng và là đối tác quan trọng của Việt Nam. Ðặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã đem lại nhiều lợi thế về thuế suất. Ðiều này đã dấy lên kỳ vọng xuất khẩu hải sản vào EU sẽ bứt phá, cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 2 cuộc họp trực tuyến gần đây, phía EC đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp và các quy định của Luật Thủy sản năm 2017. “Nhờ đó, kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đạt trên 82%, đánh dấu tàu cá đạt trên 90%. Hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phương. Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường đáng kể” - ông Hùng chia sẻ.   

Một trong những địa phương triển khai tốt công tác này là tỉnh Bình Ðịnh. Nhờ chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân trên địa bàn, đến nay, 100% tàu thuyền có chiều dài từ 15m trở lên đã có trang bị thiết bị giám sát hành trình. Chủ tàu, thuyền trưởng cũng phải ký cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp, hàng năm phải đưa tàu về cảng đăng ký, khai báo đúng quy định.

Tính từ đầu năm đến nay, thông qua phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại Trạm bờ, Chi cục Thủy sản Bình Ðịnh đã phát hiện và cảnh báo 312 lượt với 203 tàu, vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam. Các đơn vị thông báo ngay cho chủ tàu, thuyền trưởng quay về vùng biển Việt Nam và gửi danh sách đến UBND các xã, phường phối hợp với các đồn biên phòng, các đơn vị liên quan tổ chức làm việc, nhắc nhở, kiểm điểm thuyền trưởng tàu vi phạm, yêu cầu ký cam kết không tái phạm ngay sau khi tàu về bờ. Và danh sách đó được gửi đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp xác minh, đề xuất xử lý từng trường hợp vi phạm cụ thể theo quy định.

Những trường hợp vi phạm, sẽ tiến hành thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và công khai trên website của Tổng cục Thủy sản về danh sách các tàu khai thác bất hợp pháp. Tàu cá nào cố ý không bật thiết bị giám sát sẽ không được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ trong khai thác thủy sản hiện hành trong một năm.