Không duy trì mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND tại xã Thanh Yên

Thứ Tư 0:00 06/01/2016
ĐBP - Qua 5 năm thực hiện mô hình thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã tại Thanh Yên, đã chứng minh có nhiều ưu thế trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến rõ nét trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy còn không ít những bất cập, nên Huyện ủy Điện Biên đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy không tiếp tục triển khai mô hình tại xã Thanh Yên trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Thanh Yên là xã được Huyện ủy Điện Biên lựa chọn thực hiện mô hình thí điểm đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, theo Kế hoạch số 02 ngày 4/8/2009 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Điện Biên, mô hình nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND triển khai tại xã Thanh Yên đã góp phần giúp cho việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống nhanh chóng và được tổ chức quán triệt, thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tập trung, nhất quán, chặt chẽ hơn, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp. Bộ máy của xã tinh gọn, giảm các cuộc họp, các khâu trung gian không cần thiết trong lãnh đạo, quản lý và dành thời gian cho việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện; đồng thời giảm bớt một số thủ tục báo cáo, xin ý kiến, chờ chủ trương. Áp dụng mô hình nhất thể hóa, đồng chí Lò Văn Lún giữ chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Yên nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã chèo lái đưa kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển với những dấu ấn nổi bật. Sản xuất nông nghiệp có nhiều đổi mới, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhờ đó giá trị sản xuất hàng hóa tăng trên đơn vị diện tích. Hàng năm, sản xuất nông nghiệp đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch của huyện và nghị quyết HĐND xã giao. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay đã xuất hiện nhiều hộ gia đình chăn nuôi theo phương thức hàng hóa tập trung với quy mô hàng nghìn con gia cầm mỗi lứa. Với trách nhiệm 2 “vai”, đồng chí Lò Văn Lún đã chủ động chỉ đạo, điều hành chính quyền địa phương phối kết hợp với các phòng, ban, các cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng quy hoạch xã nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn và các nguồn vốn do xã quản lý được tăng cường, các tuyến đường trục của xã được nhựa và bê tông hóa đảm bảo việc đi lại của nhân dân thuận tiện. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những mục tiêu quan trọng khi tỷ lệ giảm nghèo năm sau giảm hơn năm trước. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, điều tra rà soát hộ nghèo hàng năm được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,4%.

Kết quả chỉ đạo, điều hành trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm đã thể hiện sự tròn “vai” của đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Yên. Khi áp dụng mô hình nhất thể hóa trên địa bàn đã khắc phục được một số hạn chế. Đơn cử, trước đây có những việc đồng chí bí thư cấp ủy và đồng chí chủ tịch UBND xã không thống nhất trong công tác quản lý, điều hành; sự phối hợp trong công việc chưa chặt chẽ; còn có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm. Hoặc tại các buổi làm việc với nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị và khu dân cư khi có nội dung phát sinh cần giải đáp hoặc kết luận cụ thể ngay; cá nhân bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch UBND xã chủ trì chưa thể giải quyết tại chỗ, thì nay thực hiện nhiệm vụ ở cả 2 “vai” đã chủ động giải đáp, hạn chế việc phải chờ xin ý kiến, thống nhất giữa hai bên, giảm các cuộc họp, phiền hà cho nhân dân.

Thực tiễn cũng cho thấy, thực hiện nhiệm vụ ở cả 2 “vai” trọng trách nặng nề, áp lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý, thời gian tham dự các cuộc họp do cấp trên triệu tập hoặc các cuộc họp của xã, xử lý các công việc cụ thể của UBND chiếm nhiều thời gian hơn nên ít có thời gian tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác của Đảng; thời gian nghiên cứu, kiểm tra, chỉ đạo và bám sát cơ sở có phần hạn chế. Việc kiểm tra, giám sát cán bộ giữa 2 chức vụ chủ chốt khó khăn hơn vì không có sự giám sát lẫn nhau giữa bí thư và chủ tịch UBND cùng cấp. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ chưa chặt chẽ, có lúc có nơi chưa kiên quyết. Một số cán bộ, đảng viên có tư tưởng ngại tham gia, đóng góp ý kiến, đặc biệt là những ý kiến trái chiều với ý kiến của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã. Cũng do thực hiện mô hình thí điểm nên xã Thanh Yên gặp khó khăn, lúng túng về phân định chức trách, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp và phương pháp điều hành. Quá trình thực hiện mô hình thí điểm, việc chuẩn bị nhân sự cho các chức danh, như: phó chủ tịch UBND xã và một số đoàn thể của xã không đúng như phương án nhân sự cấp ủy đã duyệt, tạo dư luận không tốt trong nhân dân…

Việc triển khai thực hiện mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã có ưu điểm vượt trội trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của địa phương. Tuy nhiên, sau Đại hội Đảng bộ xã Thanh Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020, mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND xã ở Thanh Yên không còn thực hiện. Qua trao đổi với lãnh đạo Huyện ủy Điện Biên, chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân để không tiếp tục áp dụng mô hình này, trong đó khó nhất là vấn đề nhân sự. Trước hết là nhân sự cho vị trí người đứng đầu, thứ nữa là những cán bộ cấp dưới giúp việc cho người đứng đầu. Từ những yêu cầu đó và căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, huyện Điện Biên không thực hiện mô hình này trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.