Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Thứ Tư 0:00 06/01/2016
Sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập trước toàn dân và công bố trước thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định và khẩn trương triển khai cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao và thành lập một Chính phủ chính thức của đất nước.

 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo… đều được hưởng quyền bầu cử và ứng cứ.

Để thực thi công việc hệ trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành một loạt sắc lệnh: Sắc lệnh ngày 17-10-1945 về bầu cử quốc dân đại hội; Sắc lệnh số 71 ngày 2-12-1945 bổ khuyết Điều thứ II, Chương V Sắc lệnh ngày 17-10-1945 về thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 72 ngày 2-12-1945 bổ khuyết một số đại biểu các tỉnh và thành phố theo sắc lệnh ngày 17-10-1945 về cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 76 ngày 18-12-1945 hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946.

Quang cảnh kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946.

Ngày 5-1-1946, trước bầu cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu in trên Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5-1-1946 với những lời lẽ thắm thiết, mạnh mẽ kêu gọi, động viên, cổ vũ quốc dân đi bỏ phiếu "Ngày mai mùng 1 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", "Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình", "Ngày mai, quốc dân sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập", "Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước", "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do",…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử đã thực sự là ngày hội lớn của mọi người dân, khắp nơi đồng bào đã tổ chức những cuộc rước đèn, rước đuốc, rước ảnh Bác Hồ, biểu diễn văn nghệ; các đoàn thể chính trị mở những cuộc tuyên truyền rầm rộ cho ứng cử viên của mình; khẩu hiệu vận động bầu cử được treo trên các đường phố, xóm ngõ; báo chí ra số đặc biệt về Tổng tuyển cử. Đặc biệt, đồng bào và ủy ban hành chính nhiều nơi gửi thư cho Chính phủ đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần ra ứng cử ở một thành phố hoặc một tỉnh nào, để nhân dân cả nước có thể bỏ phiếu cho Người. Ai cũng muốn được ghi tên Hồ Chí Minh trên lá phiếu của mình.

Trước tấm thịnh tình, kính yêu và tuyệt đối tín nhiệm của đồng bào, đồng chí, Hồ Chí Minh đã viết một bức thư ngỏ gửi đồng bào, đồng chí: "Tôi rất cảm động được đồng bào yêu quý mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới". Sáng 6-1-1946, khắp cả nước từ nông thôn đến thành thị đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, người dân nô nức đi bỏ phiếu, sử dụng quyền làm chủ thực sự của mình. Mỗi người tự mình cầm lá phiếu của tự do giành được từ cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài gian khổ bằng cả máu xương và nước mắt. Bất chấp tình hình chính trị phức tạp tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, cuộc bầu cử diễn ra trong tiếng đại bác gầm rú, tiếng đạn réo inh tai của quân thù. Ở vùng tạm chiếm Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho đều có người ra ứng cử, các hòm phiếu được bí mật chuyển từ nhà này sang nhà khác, từ phố nọ sang phố kia. Ở Tân An, Khánh Hòa máy bay Pháp đã dội bom xuống các khu vực bầu cử làm nhiều người chết và bị thương. Trước ngày bầu cử, 40 cán bộ ở miền Nam đã hy sinh khi làm công tác vận động Tổng tuyển cử. Lòng dân, ý chí của dân đã vượt qua mọi sự hiểm nguy, thách thức, hơn 90% cử tri đã tham gia bầu cử, phải thấy rằng con số đi bầu cử trên là một thành công to lớn của cuộc Tổng tuyển cử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu tại hòm phiếu ở phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội). Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, 15 năm trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, cùng với cả dân tộc vào cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, Người cùng với đồng bào - những công dân của một nước độc lập cầm lá phiếu đầu tiên bỏ vào thùng phiếu trong giờ phút thiêng liêng của cuộc Tổng tuyển cử.

Kết quả Tổng tuyển cử, cử tri cả nước đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử 98,4% số phiếu bầu, một bằng chứng hùng hồn về uy tín tuyệt đối của Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân. Mặt trận Việt Minh cũng thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử, các ứng cử viên của Mặt trận đã thu được tuyệt đại đa số phiếu. Trong số ứng cử viên được bầu vào Quốc hội, có 105 đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam ứng cử với tư cách độc lập.

Ngày 12-1-1946, hàng vạn nhân dân Thủ đô họp mít tinh tại khu học xá Trung ương (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị đại biểu vừa trúng cử vào Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, các cử tri đã đi bầu 13 khóa Quốc hội. Đất nước đã trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt và giành thắng lợi, thống nhất đất nước, giang sơn quy về một mối. Hiện nay cả nước đang phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không phụ lòng cử tri, Quốc hội các khóa đã làm tốt công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hiện tại, Quốc hội khóa XIII đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV.

Năm 2016 toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, một mốc lịch sử của đất nước độc lập, tự do, dân chủ. Chắc chắn rằng các cử tri hăng hái đi bầu Quốc hội các khóa tiếp theo và Quốc hội các khóa tới không ngừng lớn mạnh đáp ứng những yêu cầu của đất nước, đáp ứng sự tin tưởng của cử tri.