Khẩn trương vào cuộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế –xã hội

Thứ Bảy 0:00 09/01/2016
ĐBP - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII tổ chức ngày 9/1, xem xét thông qua dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 và dự thảo Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2016 của Tỉnh ủy.

Năm 2015, Tỉnh ủy đã lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh vượt qua nhiều khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng (theo giá năm 2010) đạt 10,02%, vượt 0,02% so với kế hoạch; thu nhập đầu người đạt 23,2 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông-lâm-nghiệp-thủy sản chiếm 23,79%, giảm 0,32%; công nghiệp-xây dựng chiếm 31,2%, tăng 0,28%; dịch vụ tăng 0,04%, chiếm 45,01%. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được đầu tư, các lĩnh vực văn hóa-xã hội chuyển biến tích cực; chính trị ổn định, quốc phòng-an ninh được đảm bảo; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh; công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả. Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo đại hội Đảng các cấp và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII.

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, Tỉnh ủy đề ra 8 giải pháp chủ yếu: Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, vai trò của người đứng đầu, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh khóa XIII bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp từng ngành, đơn vị; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phát huy vai trò hoạt động của MTTQ, tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương; tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, KVPT vững chắc; thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tăng cường phân cấp trong quản lý cán bộ; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn đảng bộ, các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII nhất trí cao với kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cũng như 8 nhóm giải pháp chủ yếu Tỉnh ủy đề ra nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ năm 2016. Các đại biểu tập trung làm rõ một số khó khăn, hạn chế trong năm 2015; đề xuất, bổ sung một số giải pháp thực hiện nnăm 2016.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, việc quyết toán các chương trình trồng rừng 661, 327 rất khó khăn do hầu hết chứng từ đã bị mất trong khi các chỉ tiêu trồng rừng mới đều không đạt. Theo phó chủ tịch UBND tỉnh, thì muốn phát triển nông-lâm nghiệp nói chung, kinh tế rừng nói riêng phải thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư, nhưng vướng mắc nhất là vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng. Do đó tỉnh cần mạnh dạn bỏ tiền thu hồi, đền bù đất để thu hút doanh nghiệp. Cùng quan điểm này, đồng chí Nguyễn Đình Giang, Giám đốc sở GTVT nhấn mạnh đến công tác quy hoạch đất đai. Cần rõ ràng, cụ thể đâu là đất sản xuất, đất trồng cây công nghiệp, các loại đất rừng… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh phải có cơ chế khuyến khích đầu tư (ví dụ hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng). Giám đốc Sở GTVT cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố cần phát huy trách nhiệm, vai trò của chủ đầu tư trong việc đảm bảo chất lượng các công trình giao thông; các cấp, ngành chuyên môn phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, dự án.

Về lĩnh vực văn hóa-xã hội, theo ý kiến đồng chí Lê Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thì bên cạnh kết quả tích cực thì vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Đó là tình trạng học sinh vùng cao bỏ học; tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng; các trường cao đẳng trên địa bàn khó khăn trong tuyển sinh, tình trạng đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến việc thiếu hiệu quả trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh thời gian qua; nhiều đề tài nghiệm thu xong là cất vào tủ, không có tính ứng dụng… rất lãng phí kinh phí đầu tư. Bên cạnh đó là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cấp cơ sở còn yếu. Về việc điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới, đồng chí Lê Văn Quý cho rằng, phải đảm bảo đầy đủ, chính xác. Bởi nếu số liệu về hộ nghèo không đúng sẽ kéo theo một loạt những cái sai khác về chế độ, chính sách hỗ trợ. Do vậy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo sát sao công việc này, nhằm khắc phục tình trạng “trốn nghèo” hoặc không muốn thoát nghèo đã và đang tồn tại.

Các đồng chí Bí thư Huyện ủy: Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên Đông nêu lên một khó khăn chung của các huyện vùng cao là tình trạng tranh chấp đất đai, giữa các xã trong huyện, giữa tỉnh ta và tỉnh Sơn La. Hiện nay nổi lên vấn đề: Từ việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân thấy lợi ích dẫn đến tình trạng tranh chấp đất rừng. Cùng với đó là vấn đề di cư tự do diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong quản lý cho chính quyền địa phương và ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích rừng bởi tình trạng phá rừng làm nương.

Về giải pháp cải cách hành chính, đồng chí Chu Xuân Trường, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa đề xuất cần phải thực hiện gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa thủ tục hành chính và số liệu của các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ.

Nhiều ý kiến cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm  giải ngân các nguồn vốn, có tiền nhưng không tiêu được, nhất là tồn đọng vốn các chương trình mục tiêu, dự án trọng điểm; chất lượng một số công trình xây dựng chưa đảm bảo yêu cầu; công tác quy hoạch khu công nghiệp nhiều khó khăn, vướng mắc về đất đai…

Gợi mở, nhấn mạnh một số giải pháp thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đề nghị các sở, ngành rà soát lại quy hoạch từng ngành để bổ sung kịp thời những thiếu sót; các huyện thị, thành phố cũng phải khẩn trương rà soát quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời rà soát tất cả các công trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để lãnh đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý đến tình trạng kỷ cương, kỷ luật thời gian qua còn lỏng lẻo, đồng chí đề nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các huyện, thị xã, thành phố, đảng bộ trực thuộc phải siết chặt, sâu sát, kiên quyết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong đó người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, phát huy vai trò cá nhân phụ trách.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế -xã hội. Các địa phương, ngành phải khẩn trương vào cuộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế cũng như các mặt văn hóa –xã hội. Trong đó, tập trung chỉ đạo kiên quyết, sâu sát những nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm; đặc biệt cần quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các chương trình trọng điểm như: Xây dựng nông thôn mới, Đề án 79, xóa đói giảm nghèo bền vững, di dân TĐC thủy điện Sơn La. Các cấp, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính (trong đó tập trung cải cách thủ tục và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ), nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Các công trình, dự án xây dựng phải được nâng cao chất lượng từ quy hoạch, thiết kế đến thi công. Tập trung, ưu tiên phát triển y tế, giáo dục các xã xa trung tâm huyện, xã biên giới; công tác đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu sử dụng; các đề tài khoa học phải đảm bảo thiệu quả ứng dụng, trong đó ưu tiên các đề tài về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.