Xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Thứ Hai 15:15 20/02/2017
Trong phiên họp thứ 7 diễn ra vào sáng 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo, thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015.

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự dự thảo Luật trên tinh thần chỉ đạo của UBTVQH là rà soát, sửa đổi triệt để những sai sót về kỹ thuật, những quy định bất hợp lý; một số trường hợp mặc dù chỉ sửa sai một lỗi kỹ thuật nhưng lại liên quan đến nhiều luật thì vẫn phải rà soát để sửa đổi nhiều điều luật đó nhằm bảo đảm tính thống nhất của toàn bộ Bộ luật.

Đồng thời, bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và Quốc hội khóa XIII quyết định.

Báo cáo cũng cho biết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chủ trì nhiều cuộc họp và Thường trực Ủy ban Tư pháp đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến các bộ, ngành. Ngày 16/2, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc làm việc của Chính phủ về dự án Luật, có sự tham gia của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan. Đến nay, đa số các nội dung của dự thảo Luật đã đạt được sự thống nhất cao giữa Thường trực Ủy ban Tư pháp, Chính phủ, Toàn án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Tại phiên họp, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015, trong đó có nội dung quy định về: Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; trách nhiệm hình sự của pháp nhân; không tố giác tội phạm; một số tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tội gây ô nhiễm môi trường; quy định xác định hàm lượng chất ma túy để quy ra khối lượng hoặc thể tích; tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao... về cơ bản đã thống nhất với những nội dung của dự án Luật, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau sẽ được tiếp tục trao đổi, được nghiên cứu và thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp tục đóng góp, chỉ đạo xây dựng dự án Luật, trong đó có mời các chuyên gia, các thẩm phán giỏi (kể cả đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu) để đọc cho thật kỹ từng điều, từng khoản, có đóng góp ý kiến sâu cho dự án Luật, tìm ra những quy định còn chưa đúng, chưa phù hợp hoặc còn chồng chéo; từng thành viên của UBTVQH cũng tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự án Luật.

“Ủy ban Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, các cơ quan liên quan vừa qua đã làm việc tích cực, có trách nhiệm trong xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015. Tôi đề nghị Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu quan tâm chỉ đạo, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau sẽ tiếp tục mang ra trao đổi, thảo luận; làm việc thật sự cẩn thận, kỹ lưỡng, bài bản, không vội vàng; khi dự án Luật được xây dựng hoàn thiện, đã chín muồi thì chúng ta tiếp tục đem ra Quốc hội xin ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.