Việc thực hiện những nội dung về kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

Thứ Hai 8:44 05/03/2018
ĐBP - Trên nguyên tắc cấp trên chỉ đạo và gợi ý kiểm điểm đối với cấp dưới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc kiểm điểm được cấp ủy, tập thể lãnh đạo, từng cá nhân thực hiện nghiêm túc, thực chất; với tinh thần cầu thị, tự giác của tập thể và người đứng đầu; nhất là đối với các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân được cấp trên gợi ý nội dung kiểm điểm sâu.

 

Ðảng bộ Công an tỉnh triển khai quán triệt nghị quyết cho cán bộ, chiến sĩ tại Hội nghị lần thứ 4 (khoá XII).

Sở Tài nguyên và Môi trường là 1 trong 24 cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý nội dung kiểm điểm sâu trong năm 2017. Với nội dung được gợi ý là việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Sở về đất đai; quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhất là trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và triển khai các dự án do Sở làm chủ đầu tư… Ðối với cá nhân, từng đồng chí lãnh đạo Sở căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, đối chiếu với khuyết điểm, tồn tại, hạn chế của tập thể lãnh đạo đơn vị đã kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm của mình đối với những phần việc có liên quan. Với vai trò người đứng đầu cơ quan, đồng chí Bùi Châu Tuấn, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn nhận trách nhiệm cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai các dự án do Sở làm chủ đầu tư (Dự án Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất ở phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ; Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc đường 60m) còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Ðồng chí cũng chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục: Yêu cầu nhà thầu tư vấn giám sát, Ban quản lý dự án bố trí nhân sự cán bộ tư vấn giám sát tại hiện trường để kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công và thực hiện công tác giám sát, thi công xây dựng công trình, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đề ra. Cử cán bộ chuyên môn của chủ đầu tư thường xuyên liên lạc, bám sát công trường để đôn đốc các nhà thầu và báo cáo định kỳ, đột xuất quá trình thực hiện nhiệm vụ với lãnh đạo Sở. Từ đó đề xuất biện pháp xử lý theo thẩm quyền và báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định…

Ðối với Sở Nội vụ, một trong những nội dung được Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm sâu trong năm 2017 đó là trách nhiệm của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng và thực hiện Ðề án Tinh giản biên chế công chức, viên chức? Ðây cũng là vấn đề dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian qua. Ðiều này đã được cấp ủy, tập thể lãnh đạo Sở Nội vụ giải trình làm rõ. Với nhiều giải pháp thực hiện, Ðề án Tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 của tỉnh trong 3 năm (2015 - 2017) đã tinh giản được 594 người. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa đạt kế hoạch; thậm chí có đơn vị đến nay không thực hiện được tinh giản biên chế. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy còn chậm, chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, chưa có chiều sâu. Từ việc tổ chức kiểm điểm sâu theo gợi ý nội dung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Sở Nội vụ nhận trách nhiệm cũng như giải trình làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đồng chí Lê Hữu Khang, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Sở Nội vụ nhận phần trách nhiệm là dù đã rất nỗ lực, tích cực trong công tác tham mưu với UBND tỉnh, nhưng chưa thực sự có cách nghĩ, cách làm hay hơn, hiệu quả hơn để đảm bảo thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị định 108 của Chính phủ, Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ. Giám đốc Sở Nội vụ sẽ tham mưu để rà soát, điều chỉnh bổ sung Ðề án tinh giản biên chế, thực hiện trong quý I/2018 và tích cực triển khai Ðề án Vị trí việc làm. Tập trung rà soát tổ chức bộ máy, biên chế để đề ra phương án sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết số 18, 19 của Bộ Chính trị.

Lâu nay, việc gợi ý kiểm điểm thường được xem là vấn đề tương đối “nhạy cảm”. Tuy nhiên trên thực tế việc cấp trên gợi ý kiểm điểm cấp dưới, nhất là đối với các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân được cấp trên gợi ý nội dung kiểm điểm sâu đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Việc lựa chọn nội dung gợi ý cụ thể, trọng tâm đã nhận được sự tiếp thu, giải trình, kiểm điểm nghiêm túc và đề ra các biện pháp khắc phục của các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân. Sau kiểm điểm, các tập thể, cá nhân đã xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Ðây là những chuyển biến đáng mừng, là cơ sở quan trọng để đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào cuộc sống.