Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm

Thứ Tư 15:55 07/03/2018
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo chương trình dự kiến, phiên họp 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 12 – 13/3 và đợt 2 vào ngày 20 – 22/3.

Có thể lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn

Một trong những nội dung đáng chú ý tại phiên họp 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là việc Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

 

Theo quy định tại Nghị quyết 85, Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ. (Ảnh minh hoạ).

Dự kiến, vào sáng 22/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Tuý trình bày tờ trình về nội dung này.

Theo quy định tại Nghị quyết 85 năm 2015 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ, tức là vào kỳ họp 6 Quốc hội tới đây. Tuy nhiên, hiện có ý kiến đề xuất đẩy việc lấy phiếu tín nhiệm lên sớm, tức có thể diễn ra tại kỳ họp thứ 5. Vấn đề này sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Theo quy định của Nghị quyết 85 quy định về quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo bằng văn bản gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội có hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.

Cũng tại phiên họp 22, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; Một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận (người đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga).

2 Bộ trưởng mở màn “chất vấn và trả lời ngay”

Một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp này là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến diễn ra vào ngày 21/3.

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Lê Thành Long sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức phiên chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề chính và trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Cụ thể nhóm vấn đề thứ nhất là các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người có trách nhiệm trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ hai là hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn; Thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” (đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần)./.