Kiến nghị hạn chế đối tượng đặc xá

Thứ Ba 8:42 12/06/2018
Ngày 11-6, tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), một trong những nội dung mà các đại biểu trao đổi nhiều nhất là điều kiện đặc xá, các sự kiện trọng đại của đất nước để áp dụng đặc xá và đối tượng đặc xá.

 

Đại biểu Cầm Thị Mẫn phát biểu.

Đề nghị quy định rõ về sự kiện đặc biệt của đất nước để đặc xá

Một số đại biểu chỉ ra rằng, thông tin về “những sự kiện trọng đại của đất nước” để áp dụng đặc xá chưa được quy định rõ trong luật. Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phân tích: tại Điều 5 dự thảo luật quy định về thời điểm đặc xá. Theo quy định tại điều này, Chủ tịch nước sẽ xem xét quyết định việc đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định sự kiện trọng đại của đất nước và vì vậy Ban soạn thảo cần quy định cụ thể tiêu chí xác định thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước. Cũng như những trường hợp được xem là các trường hợp đặc biệt, làm cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá. “Việc xác định rõ các nội dung này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất khi áp dụng chế định đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Đồng thời thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn trong quá trình triển khai áp dụng” – đại biểu đề nghị.

 

Chung ý kiến này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa - ảnh trên) cũng đề nghị Chính phủ quy định cụ thể thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước, ví dụ ngày bầu cử Quốc hội, ngày Đại hội Đảng toàn quốc có là sự kiện trọng đại của đất nước không? Đối với trường hợp nhân ngày lễ lớn của đất nước chỉ nên quy định chỉ đặc xá vào những năm chẵn vì việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 được thực hiện ba lần mỗi năm Điều 368 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu đặc xá với những thời điểm ngắn quá sẽ làm mất ý nghĩa của việc đặc xá.

Nên hạn chế đối tượng được đặc xá

Một số đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo nên cân nhắc về các đối tượng đặc xá, không nên tràn lan như các đối tượng tha tù trước thời hạn. Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, tha tù trước thời hạn là tất cả các đối tượng bảo đảm điều kiện đó thì được. Nhưng đối với đặc xá thì phải hạn chế lại các đối tượng, vì các đối tượng được đặc xá là những đối tượng phải là đối tượng đặc biệt như người lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án tù là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, v.v... Và phần lớn được quy định tại khoản 2 Điều 10. Về điều kiện đặc xá, phải chấp hành tốt nội quy của trạm giam, trạm tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động trong quá trình chấp hành án phạt tù. “Theo tôi đề nghị phải được xếp loại từ tốt trở lên chứ không thể khá trở lên theo như dự thảo” – đại biểu chia sẻ.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng để đặc xá thể hiện đúng bản chất là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước do Chủ tịch nước quyết định, nên thiết kế lại điều này theo hướng đặc xá chỉ nên áp dụng trong ba trường hợp sau đây:

"Một là, những người thực sự có tiến bộ trong giáo dục, cải tạo giáo dục. Trường hợp này cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá sự tiến bộ và phải kèm theo điều kiện là thời gian đã chấp hành án để phản ánh sự cải tạo, tiến bộ trong giáo dục, cải tạo là một quá trình có tính liên tục và bền vững.

Hai là, áp dụng với những người trong một số hoàn cảnh đặc biệt như người đã lập công lớn; người đã mắc bệnh hiểm nghèo; người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người trên 70 tuổi thường xuyên ốm đau, bệnh tật không tự phục vụ được. Những trường hợp này không cần kèm theo điều kiện về thời gian đã chấp hành án, miễn là sự kiện đặc biệt nêu trên xảy ra có thể áp dụng ngay thì mới đúng là ý nghĩa của việc khoan hồng đặc biệt.

Thứ ba, áp dụng trong trường hợp đặc biệt vì lý do đối ngoại của nhà nước".

Những đối tượng không nên áp dụng đặc xá

Đối với một số tội, các đại biểu có ý kiến đề nghị nghiên cứu thật kỹ quy định đặc xá, như người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, tội sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Cạn) phát biểu: “Tôi đề nghị nghiên cứu thật kỹ việc quy định đặc xá đối với các trường hợp này. Bởi đây là các tội phạm đặc biệt nguy hiểm được thực hiện do lỗi cố ý, ngay cả Bộ luật Hình sự cũng không cho phép tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với những đối tượng này. Kể cả với điều kiện là những người bị kết án về một trong các tội trên đã chấp hành được ít nhất 2/3 thời gian chấp hành án phạt tù được đề nghị xem xét đặc xá cũng cần hết sức cân nhắc”.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo quy định những người có từ hai tiền án trở lên, nguy cơ tái phạm cao thì không được đặc xá, trong khi Luật Đặc xá hiện hành có quy định hai trường hợp này. Đại biểu dẫn chứng: “Ngay tại báo cáo tổng kết Bộ Công an có đánh giá: Kết quả thực hiện công tác đặc xá những năm qua cho thấy đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá là phù hợp và có tính răn đe, giáo dục cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật".

 

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (ảnh trên) cũng đề nghị bổ sung các trường hợp "đồng thời phạm hai tội như giết người và cướp tài sản, cướp tài sản và hiếp dâm, cướp tài sản có sử dụng vũ khí, cướp tài sản hoặc cướp giật tài sản có tổ chức, có một tiền án mà phạm các tội về ma túy, cướp tài sản, cướp giật tài sản". “Vì theo đánh giá các trường hợp này đã được thực hiện trên thực tế và không được đặc xá trong các quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước. Điều này góp phần hạn chế tình trạng người được đặc xá tái phạm và vi phạm pháp luật”, đại biểu giải thích.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng chia sẻ ý kiến này khi đề cập đến điều 10 dự thảo luật quy định về đối tượng đặc được xá: “Để khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn như thời gian vừa qua, nên chăng chỉ quy định áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định như quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều 10 của dự thảo luật. Tôi đề nghị không nên áp dụng đặc xá đối với những người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Chương XVI các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, Điều 299 tội khủng bố của Bộ luật Hình sự”.

Phát biểu giải trình với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm chia sẻ: Luật Đặc xá (sửa đổi) được ban hành sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện đặc xá trong những năm qua. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo luật về một số các nội dung mà các đại biểu quan tâm như tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, thời điểm đặc xá, điều kiện được đặc xá, đối tượng được đặc xá, các trường hợp không đề nghị đặc xá, việc đặc xá đối với người nước ngoài, trình tự thực hiện việc đặc xá v.v… Ban Soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan hữu quan sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 theo đúng chương trình của Quốc hội đã đặt ra.