Hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng

Thứ Năm 8:11 03/01/2019

ĐBP - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sự cấp thiết phải tiến hành càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945: “Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.

 

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức Tổng tuyển cử.

Trên cơ sở Sắc lệnh đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6/1/1946. Việc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một sự kiện trọng đại, vì đây là lần bầu cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử dân tộc, và cũng là nước có bầu cử đầu tiên trong các nước thuộc địa và phụ thuộc. Nguyên tắc tự do bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích trên báo Cứu Quốc ngày 30/12/1945: “...hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra khá gay go, phức tạp. Một vài địa phương ở miền Nam bị Pháp chiếm đã đổ máu như ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên... quân đội Pháp đã ném bom, bắn phá, làm một số người chết và bị thương. Chỉ riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử. Mặc cho bọn phản động tuyên truyền phá hoại, các tầng lớp nhân dân vẫn phấn khởi, nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội. Nhiều người có tài, đức, thực tâm yêu nước đã tự ứng cử hoặc được các đoàn thể quần chúng giới thiệu ra ứng cử, tạo nên một bầu không khí dân chủ, lành mạnh.

Ngày Tổng tuyển cử thực sự trở thành ngày hội của quần chúng, toàn dân nô nức tham gia. Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trên cả nước, với khoảng 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, cả nước bầu được 333 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (tháng 1/1946), bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đánh dấu một bước phát triển mới trong việc củng cố nền độc lập dân tộc vừa giành được, thực hiện thể chế dân chủ thực sự, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là dấu mốc phát triển đầu tiên trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

 

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu

Trên suốt chặng đường đấu tranh anh dũng của toàn dân tộc cho đến ngày đất nước thống nhất, Quốc hội đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là người đại biểu đáng tin cậy của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là nơi tập trung trí tuệ của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Quốc hội đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết, ý chí thống nhất đất nước và lòng quyết tâm xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu rực rỡ, những trang sử vẻ vang của Quốc hội nước ta gắn liền với từng bước đi của dân tộc được bắt đầu từ ngày 6/1/1946, Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nhân dân Việt Nam. Ðã 73 năm trôi qua kể từ Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, các thế hệ đại biểu đã và đang kế thừa, phát huy những thành quả mà Quốc hội Việt Nam đã gây dựng. Ðến nay, Quốc hội đã bước sang khóa thứ 14 với nhiều thành công cũng như thách thức.