Tạm dừng bổ nhiệm cán bộ tại nơi sắp xếp huyện, xã

Thứ Tư 9:45 13/03/2019

Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019–2021 được UBTVQH thông qua chiều 12-3 với tỷ lệ tán thành 100%.

Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Hiện 16 quận huyện và 631 phường, xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số cần sắp xếp, sáp nhập. Việc sắp xếp cơ bản hoàn thành trong năm 2019.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc chưa thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện quy định nếu có một trong các yếu tố đặc thù: Có vị trí địa lý biệt lập với các đơn vị hành chính khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay;

Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán chưa thuận lợi cho việc sắp xếp.

Trong trường hợp đặc biệt có thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để thành lập đơn vị hành chính mới tuy chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số như quy định nhưng thuộc các trường hợp sau: Có yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; được thành lập trên cơ sở nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên; được thành lập trên cơ sở nhập 2 đơn vị hành chính cùng cấp nhưng do tình hình thực tế mà không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề.

UBND cấp tỉnh gửi nội dung phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính có liên quan đến UBND cấp huyện, cấp xã để thực hiện việc lấy ý kiến cử tri. Danh sách cử tri được niêm yết trong thời hạn 15 ngày trước ngày tổ chức lấy ý kiến cử tri.

“UBND cấp huyện, cấp xã phải hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri và kết quả tổng hợp lấy ý kiến cử tri gửi UBND cấp trên và HĐND cùng cấp trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày UBND cấp tỉnh gửi phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính và mẫu phiếu lấy ý kiến” – Nghị quyết nêu rõ.

Trên cơ sở đó, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tại các đơn vị hành chính có liên quan thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo trình tự từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh.

Nghị quyết yêu cầu tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật.

Chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Khi xây dựng đề án sắp xếp phải đánh giá, phân loại, dự kiến bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới phải có lộ trình hợp lý.

Liên quan đến chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, Nghị quyết nêu rõ là thực hiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức; về chế độ thôi việc; về chính sách tinh giản biên chế và các chính sách khác.

Ngoài ra, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư.

Sáng 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 32 thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề đạo đức nhà giáo, những hành vi thiếu chuẩn mực như vụ thầy giáo dâm ô học sinh gây xôn xao dư luận vừa qua được các đại biểu đề cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thời gian gần đây nổi lên một số vụ liên quan đến đạo đức nhà giáo, như vụ học sinh bị giáo viên xâm hại. 

“Chúng tôi nhận thức được đây chỉ là một số vụ cá biệt, nhưng dư luận rất quan tâm, vì xã hội vẫn coi đây là nghề cao quý, một số người lệch chuẩn mực đã có tác động lớn đến tâm lý xã hội” – bà nói. 

Do đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trong Chương 6: Nhà trường, gia đình và xã hội nên có điều xác định trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và xã hội trong bảo vệ người học là người dưới 18 tuổi.

Liên quan đến tiêu chuẩn nhà giáo và các hành vi nhà giáo không được làm thì dự thảo Luật không có điều cấm chung, chỉ có Điều 21 cấm lợi dụng các hoạt động về giáo dục và Điều 67 quy định các chuẩn mực của nhà giáo. 

“Nên chăng, có thể thiết kế thêm chuẩn mực của nhà giáo về xử sự trong Điều 67, theo đó giáo viên phải đáp ứng chuẩn mực trong bộ quy tắc ứng xử do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, để tránh những trường hợp xảy ra trong thời gian qua”, bà nêu quan điểm.

Tiếp theo ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, dư luận thời gian vừa qua cho thấy, các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo tuy xuất hiện không nhiều song gây tác hại, ảnh hưởng lớn, đặc biệt đối với đối tượng vị thành niên. 

“Những quy định trong dự thảo Luật chỉ quy định hành vi trong giờ học chính khoá, còn vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh vừa rồi ở Bắc Giang xảy ra buổi chiều, tại lớp học thêm ở nhà thầy, sau khi thầy uống rượu. Trong khi đó chúng ta chỉ quy định “không được ép buộc học sinh học thêm để lấy tiền”. Vậy giờ học thêm ai quản lý hành xử của giáo viên?”, Trưởng ban Dân nguyện đặt vấn đề.

Theo bà, trước đây cũng từng có cô giáo nói những câu rất phản cảm, được học sinh quay clip post lên mạng, nhưng sau đó xét ra thì cô giáo đó nói trong giờ dạy thêm. 

“Sơ hở ở đây là trong giờ dạy thêm thì việc quản lý nhà nước về hành vi của các thầy cô giáo như thế nào. Do đó nên nghiên cứu bổ sung thêm một số điều. Hay trong học gia sư, thầy giáo mà dâm ô học sinh ở nhà học sinh thì sẽ xử lý thế nào?” – bà băn khoăn.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày cho biết: Có ý kiến đề nghị chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất, xây dựng một bộ sách giáo khoa (SGK) chung cho cả nước; làm rõ tiêu chí lựa chọn SGK. UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. SGK là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Dự thảo Luật quy định, về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn SGK (Điều 31). Đồng thời Dự thảo Luật quy định: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, SGK (Khoản 3 Điều 31).

Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như quy định Dự thảo Luật về chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó, “mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn”.

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu còn băn khoăn về việc quy định như vậy đã phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 hay chưa, và liệu có phù hợp với thực tế hay không. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn SGK và tham khảo ý kiến của cha mẹ học sinh khá phức tạp, sẽ phát sinh chuyện “chạy” bộ SGK được chọn; đồng thời cũng sẽ gây lãng phí. 

Còn theo ông Phan Thanh Bình, dự thảo Luật lần này xây dựng theo hướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình SGK thống nhất trên cả nước, trên cơ sở đó các tổ chức, cá nhân sẽ biên soạn SGK. Và không phải SGK quyết định chương trình mà chính chương trình sẽ quyết định SGK.

Giải trình thêm tại phiên họp về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ban đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ muốn làm 1 bộ SGK thống nhất, song để tránh độc quyền thì dự thảo Luật đã chuyển sang hướng có nhiều bộ SGK. 

“Cũng như bài văn, mình chỉ duyệt đề cương chi tiết, còn lời văn như thế nào là tuỳ từng nơi. Song cuối cùng cũng phải có người duyệt bài văn đấy, tức là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng lấy ví dụ. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, tinh thần là phải có cách làm sao để sử dụng SGK đảm bảo tiết kiệm, đồng thời sẽ giao Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa cho hợp lý hơn.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ trước khi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 4-4-2019. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cùng phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện toàn diện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Sáng cùng ngày, UBTVQH cũng thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.