Vẹn nguyên ký ức tháng Tư lịch sử

Thứ Tư 8:05 29/04/2020

ĐBP - Một ngày cuối tháng Tư, trong căn phòng ấm cúng của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh có cuộc gặp mặt nhỏ của những người đã cùng nhau xông pha trận mạc trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xôn xao cả căn phòng là những câu chuyện về một thời vào sinh ra tử, những kỷ niệm nơi chiến trường ác liệt, những vết thương, mảnh bom đạn vẫn hằn dấu trên người…

Các cựu chiến binh thời kỳ chống Mỹ gặp mặt tại Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hiền

Vì lý do dịch bệnh nên những hoạt động kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên địa bàn tỉnh ta không diễn ra như dự kiến. Không buồn về điều đó mà trong câu chuyện của các CCB lại có những lời khẳng định: Việt Nam sẽ chiến thắng bệnh dịch, làm bạn bè quốc tế nể phục như những lần Việt Nam dù nghèo đói, lạc hậu đã chiến thắng các nước lớn xâm lược. Bên bàn nước còn rôm rả nhiều chuyện về sách lược đánh Mỹ, về cuộc chiến với Covid-19, rồi lại quay trở về những ký ức, kỷ niệm trên đường chiến đấu. Mỗi CCB là một nhân chứng sống, thực sự là một kho tư liệu lịch sử với biết bao câu chuyện chiến trường. Mỗi người đều có những hồi ức riêng; mang trên người vết thương, di chứng khác nhau nhưng đều chia sẻ chung khí thế một thời hừng hực, sẵn sàng chiến đấu và hi sinh để giành độc lập, tự do, bình yên cho Tổ quốc. Ðến ngày toàn thắng 30/4 thì cùng vỡ òa trong hạnh phúc, mừng vui.

CCB Nguyễn Quang Bích, đại đội trinh sát, Lữ đoàn Công binh 219, hiện đang sinh sống tại tổ dân phố 2, phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ kể lại: “Năm 1974, đơn vị tôi từ Huế tiến quân vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ đánh phía đông nam. Tôi cùng anh em trinh sát luồn rừng, lội suối tìm đường đi cho pháo, tìm chỗ giấu quân, giấu xe cho đơn vị. Xe pháo của chúng tôi phải đi đường tránh, có khi đi qua những cầu treo, lát ván, không lan can, chỉ rộng vừa đủ 2 bên bánh xe, dưới là vực sâu 100m. Gần 1 tháng trinh sát, 10 móng chân của tôi bị bật, thối, hỏng hết, cũng đau lắm nhưng nghĩ đến làm sao bảo đảm được an toàn cho đồng đội là lại phăm phăm đi tìm đường. Vào đến Sài Gòn, đơn vị tham gia trận đánh căn cứ hải quân Cát Lái, bắn chìm nhiều tàu địch. Ðịch phản pháo dồn dập, đại đội trưởng của tôi đã hi sinh đúng ngày 30/4 tại đây. Cùng ngày, tôi cùng 2 đồng chí khác được giao nhiệm vụ chặn chốt địch tại căn cứ Nguyễn Huệ (Thủ Ðức). Chỉ 3 người chặn cả 1 đoàn quân, chúng tôi phải nghi binh, giả vờ như giấu quân để địch không biết chính xác lực lượng của mình và đã giành thắng lợi”.

CCB Lô Quang Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh nhập ngũ, huấn luyện cùng đợt với CCB Nguyễn Quang Bích cũng tham gia những trận đánh cuối cùng tại Sài Gòn. Ông Thắng là xạ thủ 1, giữ súng B41, của Ðại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Ngày 20/4, từ Ðà Nẵng, đơn vị ông hành quân vào Sài Gòn theo dọc đường 1, gặp địch ở đâu đánh ở đấy, trong đó có 2 trận lớn tại Bình Tuy (Bình Thuận) và căn cứ Nước Trong (Biên Hòa), góp phần mở hướng giải phóng Sài Gòn. Ngày 29 - 30/4, đơn vị ông đánh từ phía Ðông, tiến vào Sài Gòn, chiếm khu ngân hàng, cảng Bạch Ðằng, cảng Sài Gòn. CCB Lô Quang Thắng hồi tưởng: Tại cảng Bạch Ðằng, nhiều tàu chiến to của Mỹ, ngụy với rất nhiều quân chĩa súng (tiểu liên, M79…) vào đội hình xe của quân đội ta. Chúng nổ súng bắn loạn xạ, nhưng khi ấy tinh thần địch đã hoảng loạn nên hầu hết là bắn trượt vào tường nhà, dây điện trên đầu hoặc găm xuống đất. Quân ta bắn trả, trúng nhiều quân địch khiến chúng lo sợ chui ra đầu hàng. Sau đó chúng tôi bàn giao địch cho lực lượng địa phương rồi tiếp tục lên đường chiến đấu tại căn cứ khác. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội hình tiến vào Dinh Ðộc Lập. Lúc ấy quân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, Sư đoàn 2 bảo vệ Sài Gòn của Ngụy tháo xe, súng ống vứt thành đống, mặc phông trắng đầu hàng 2 bên đường. Cảnh tượng ấy vẫn mãi ghi trong trí nhớ của tôi với những cảm xúc chiến thắng đầy tự hào và vui sướng.

Ðoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Ðộc Lập sáng 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Còn rất nhiều câu chuyện chiến trường được chia sẻ. Ðể góp phần làm nên ngày đại thắng 30/4 không chỉ là xương máu của những người chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mà còn là công lao, cống hiến, hi sinh của biết bao chiến sĩ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng toàn bộ các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung, Ðông Nam Bộ... Và không thể không kể đến những người lính góp lửa, làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, chung sức đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược.

Nhắc lại chuyện xưa, dù nhiều gian khổ, đau thương nhưng cũng không kém phần hào hùng, hãnh diện, những người lính năm xưa gửi gắm nhiều tâm tư, kỳ vọng cho thế hệ đi sau. Bản thân Chủ tịch Hội CCB tỉnh - Thiếu tướng Lưu Trọng Lư là chiến sĩ Sư đoàn 316, trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam, cũng chia sẻ: Ở thời khắc lịch sử đó, chúng tôi, những chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ có mong muốn lớn nhất là thống nhất đất nước, non sông về một mối. Vì vậy luôn xác định tinh thần sẵn sàng chiến đấu và hi sinh, “đạn tránh mình, mình không tránh đạn”. Giờ đây đất nước hòa bình, mong muốn chung của chúng tôi là thế hệ trẻ sẽ tiếp nối, phát huy truyền thống yêu nước của cha ông; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước; lập nhiều thành tích, kỳ tích trong học tập, lao động và sản xuất, làm cho đất nước Việt Nam nói chung, mảnh đất Ðiện Biên nói riêng ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.