Tiếp tục thực hiện tốt Đề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh

Thứ Sáu 12:00 28/08/2020

ĐBP - Thực hiện chương trình giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, sáng nay (28/8), đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn cùng tổ giám sát số 1 tiến hành giám sát kết quả thực hiện  Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát Sở Giáo dục và Đào tạo.

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án trên, Sở đã quán triệt, chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền các văn bản liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành; qua đó nâng cao ý thức về việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh hướng đến để thực hiện Nghị quyết số 24 là triển khai có hiệu quả Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS); đồng thời tăng cường công tác giáo dục, giới thiệu di sản văn hóa tiêu biểu các dân tộc cho học sinh thông qua các chương trình chính khóa, ngoại khóa, các hoạt động tập thể… Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có hàng trăm nghìn lượt học sinh được học tiếng Thái, tiếng Mông. Thông qua việc học tiếng nói, chữ viết cũng như văn hóa dân tộc Thái, Mông, học sinh được hiểu hơn về xã hội, tự nhiên, con người về phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực… qua đó góp phần gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng năm, Sở GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, hỗ trợ về bảo tồn văn hoá, tháo gỡ vướng mắc cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị, thành phố cũng thường xuyên bố trí đủ số lượng giáo viên dạy tiếng Thái, Mông tại các trường…

Cùng với việc tổ chức triển khai hiệu quả việc dạy tiếng Thái, tiếng Mông trong trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng duy trì, thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, tổ chức bảo vệ, chăm sóc di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn ngành nhận chăm sóc 21 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở tỉnh, 25 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 14 nghĩa trang liệt sĩ; chăm sóc, hỗ trợ mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng… Ngoài ra, Sở ký kết với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chương trình phối hợp “phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025”, từ đó giúp học sinh, sinh viên có những kiến thức và trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, rèn luyện kỹ năng sống; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.

Đoàn giám sát chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết số 24 đối với ngành Giáo dục và Đào tạo như: Vẫn còn học sinh dân tộc Thái, dân tộc Mông thuộc địa bàn thuận lợi ít sử dụng tiếng dân tộc mình trong giao tiếp, vốn từ còn hạn chế; công tác kiểm tra, tư vấn của ban giám hiệu các trường còn hạn chế do ít hoặc không hiểu biết nhiều về tiếng nói, chữ viết các dân tộc trên…

Trên cơ sở những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại; đoàn giám sát đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh trong thời gian tới. Cùng với đó, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS; nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.