Sinh thời, hằng ngày, dù bận trăm công ngàn việc trên cương vị Chủ tịch nước nhưng Bác Hồ luôn dành một lượng thời gian thích hợp để nắm bắt thông tin tổng hợp qua sách báo. Vào khoảng 5h sáng hằng ngày đã có báo từ các nơi chuyển đến. Các đồng chí giúp việc sắp xếp lại, chuẩn bị để đầu giờ Bác xem. Bác đọc nhanh và chính xác, tay đưa theo dòng, mắt nhìn, chỗ nào có vấn đề cần chú ý hoặc liên quan đến các ngành, các cấp Bác đều ghi chép, đánh dấu để nhận biết số liệu và những thông tin cần phải xử lý.
Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ luôn dành thời gian để đọc sách báo. Ảnh: Tư liệu
1. Khi thấy gương người tốt - việc tốt, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ ghi bên cạnh dấu q, nghĩa là thưởng huy hiệu (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian Bác làm việc tại Phủ Chủ tịch, đã có hơn 4.000 người tốt làm việc tốt được Người thưởng huy hiệu). Còn chỗ nào cần lưu ý thì Bác đánh dấu chéo (/). Vấn đề nào chưa rõ, còn nghi ngờ, Người đánh dấu (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại. Khi đã xem xong, Bác vạch hai vạch chéo (//). Thỉnh thoảng Bác cũng sử dụng các chữ Hán, Nga, Pháp, Anh làm ký hiệu bên lề trang báo, trang tài liệu. Các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào ký hiệu đó để hiểu và thực hiện theo ý của Người. Người còn ghi tóm tắt thông tin vào cuốn sổ nhỏ, hoặc cho cắt dán bài cần thiết để làm tư liệu. Người đã sử dụng nhiều thông tin tích lũy qua đọc các báo nước ngoài để viết bài. Bài báo về những sai lầm trong ba khoán, đăng ở báo Hànộimới trên bàn làm việc của Bác vẫn còn bút tích ghi là: “K.g.đ.c Trường Chinh những sai lầm về “Ba khoán”. Xem xong trả lại cho B”.
Khi đọc sách báo, Bác theo dõi tỉ mỉ từng việc, từ việc lớn đến việc nhỏ. Thấy tin một nước nào đó trên thế giới bị thiên tai như lũ lụt, động đất... gây chết người, Bác đề nghị ngay văn phòng chuẩn bị điện thăm hỏi, chia buồn. Có lần xem báo thấy tin đưa các nước khối xã hội chủ nghĩa cùng đến thăm nước ta một ngày, nhưng đoàn này thì được in chữ to đưa lên trên, đoàn khác in chữ nhỏ để ở dưới, Bác góp ý chỉnh lại cho bằng nhau, nếu để như thế là “bên trọng, bên khinh”. Hay khi đọc bài có nhan đề “Kỷ niệm ngày sinh nhật Phan Bội Châu”, Người phê bình tác giả viết “xách mé”, mà phải gọi là cụ Phan Bội Châu mới đúng.
Năm 1969, Bộ Chính trị ra quyết định tổ chức 4 ngày kỷ niệm lớn trong năm, trong đó có ngày mừng thọ Bác. Các đồng chí ngại báo cáo lại với Bác vì sợ Người không bằng lòng, nhưng đến khi Bác xem báo Nhân Dân thấy đăng trang nhất, Người mời các đồng chí đến phê bình và đề nghị Bộ Chính trị bàn lại và không tán thành tổ chức ngày sinh nhật Bác to như vậy.
Bác cũng thường xuyên xem báo địa phương, báo các ngành. Người không quên khen thưởng thành tích và nhắc nhở những sai lầm. Bác nghiêm khắc phê bình những hiện tượng sai trái, tham ô, cửa quyền..., các tệ nạn xã hội cũ còn rơi rớt lại như mê tín dị đoan, nấu rượu, đánh vợ... Khi đọc báo, Bác còn chú ý theo dõi mục “Ý kiến bạn đọc”. Một hôm xem báo Lao Động có bài thơ vui ở mục “Nói thật không mất lòng”, phê bình một công trường để nhà tắm nữ trống trải, chị em làm việc xong không có nơi để tắm. Bài thơ đó đã được Bác đọc và gửi xuống các đồng chí lãnh đạo công trường. Các đồng chí có trách nhiệm ở nơi làm việc đó đã tiếp thu và sửa chữa.
2. Với sự nhạy cảm của một nhà chính trị đã từng làm báo, Bác phát hiện rất nhanh những vấn đề quan trọng, những chỗ cần lưu ý. Khi đọc báo gặp những chữ báo in sai, Bác bảo đánh dấu và nói để báo sửa, ví dụ như tên “Y Lan” phải viết là “Ỷ Lan” mới đúng, “Lý Tử Trọng” phải viết là “Lý Tự Trọng”. Có những bài viết đăng trong tạp chí Hậu cần để lộ bí mật, Bác ghi chữ “Mật” và nhắc văn phòng gửi cho tạp chí để rút kinh nghiệm. Bài nào cần nghiên cứu, Bác nhắc các đồng chí giúp việc cắt dán để lưu lại theo chuyên đề về Đảng, về các ngành, về miền Nam và tin thế giới... Trên bàn làm việc ở tầng 2 nhà sàn còn có bài báo cắt dán “Chị đội trưởng hết lòng vì tập thể”, Bác Hồ đã đọc và để bút tích: “Huyện Gia lộc”. Khi xem báo Đảng, có gì chưa chính xác là Bác nhắc ngay để rút kinh nghiệm. Trong khi đọc sách, báo, Bác thường dùng bút chì đỏ, bút bi đánh dấu ghi những điều chú ý bên cạnh bài báo. Đôi khi Bác còn làm vài con tính để kiểm tra báo đăng đã đúng chưa, số liệu kết quả có khớp không.
Bác luôn chỉ đạo, góp ý kiến kịp thời để các loại sách, báo in ngày một tốt hơn về nội dung và hình thức. Qua theo dõi, thấy gương người tốt làm việc tốt ngày càng nhiều, Bác đề nghị Ban Tuyên huấn Trung ương tập hợp thành sách theo chuyên đề các ngành, các giới. Ngày 7-6-1968, các đồng chí ở trong Ban Tuyên huấn Trung ương đến làm việc với Bác về xuất bản sách “Người tốt việc tốt”. Người nói: “Về loại sách này không nên tham viết dài. Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà có duyên... Phải học cách kể chuyện của nhân dân. Nên kèm theo nhiều tranh vẽ dễ hiểu mà đẹp, nhưng đừng vẽ nhiều mà giá thành đắt quá”. Bác còn góp ý loại sách này nên làm khuôn khổ nhỏ để người đọc dễ mang theo xem cho tiện, khi in sách xong cũng phải biết tuyên truyền rộng rãi cho quần chúng đọc.
Khi gửi thư, công văn đi đâu, Bác đều nhắc các đồng chí giúp việc đề hai chữ “Kính gửi...” ngoài phong bì. Bác dặn mọi người xung quanh phải thật tiết kiệm giấy, để giấy cho các cháu học sinh. Nhà xuất bản Quân đội biếu Bác một cuốn sách thể loại “Người tốt việc tốt” đầu tiên, để hai tờ giấy trắng ở đầu cuốn sách, Bác phê bình là lãng phí. Sau đó, Bác góp ý kiến nên ghi dòng chữ “Hoan nghênh bạn đọc góp ý phê bình” ở trang đầu, Bác còn dặn thêm từ nay trên sách hay trên báo phải luôn in câu đó.
3. Sách báo, tạp chí Bác đọc có nhiều thể loại, từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến. Trong đó có cả sách biếu của các tác giả, các tổ chức trong và ngoài nước. Sau khi đọc xong, Bác dặn gửi sách báo tới những nơi cần sử dụng, vì thế Bác không có thư viện riêng. Những cuốn sách, tờ báo, tạp chí khi Người qua đời còn lưu tại những nơi làm việc trong các nhà di tích như “nhà 54”, nhà sàn, nhà Bác tiếp cán bộ, “nhà 67”. Chỉ riêng khối sách đã có khoảng hơn 700 cuốn gồm nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, Nga, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha... Đây là những cuốn sách rất quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc, trong đó có nhiều cuốn còn lưu lại bút tích của Người.
Việc đọc sách báo còn là một yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Ngày nay, mỗi chúng ta cần phải học tập phong cách và tác phong công tác của Bác, cần rèn luyện và hình thành thói quen đọc sách báo để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ hội nhập và xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức của đất nước và thế giới.