Bài 3: Những ngôi nhà an cư
ĐBP - “An cư lạc nghiệp” là tâm lý chung của người dân. Nhưng sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội ra đời, trong đó có Chương trình cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở (sau đây gọi Chương trình cho vay nhà ở xã hội) đã tạo điều kiện cho hàng nghìn công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh có điều kiện khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay. Từ đó, các đối tượng đã xây dựng được nhà cửa khang trang, ổn định cuộc sống, yên tâm phấn đấu lao động, sản xuất.
Từ thành phố Điện Biên Phủ, vượt quãng đường đèo dốc gần 100km, chúng tôi đến thăm gia đình chị Điêu Thi Hào, anh Tao Văn Lưu, bản Tân Phong, xã Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ. Đây là một trong nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được nhận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 khang trang với đầy đủ vật dụng sinh hoạt, chị Hào chia sẻ: Hai vợ chồng tôi đều làm viên chức ở xã Si Pha Phìn, với đồng lương viên chức ngoài trang trải cuộc sống hàng ngày và nuôi 2 con ăn học (một cháu học đại học; 1 cháu lớp 11) cũng chẳng dư giả được bao nhiêu. Gia đình chưa dám nghĩ đến chuyện xây nhà, cả 5 người ở trong căn nhà gỗ 2 gian dựng từ khi 2 vợ chồng ra ở riêng, đến nay đã hơn 20 năm nay. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ Chương trình cho vay nhà ở xã hội; gia đình tôi đã vay 500 triệu đồng với lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay 20 năm. Cộng với số tiền tiết kiệm, tích góp của 2 vợ chồng, gia đình đã xây được ngôi nhà có tổng diện tích 132m2, rộng rãi phù hợp với điều kiện gia đình. Với lãi suất vay ưu đãi, thời gian dài hạn nên việc trả lãi và gốc định kỳ không quá áp lực với gia đình. Có nhà cửa khang trang, ổn định, đây là điều kiện thuận lợi để vợ chồng tôi yên tâm công tác, phấn đấu và nuôi dạy các con.
Gia đình anh Hoàng Xuân Tiến, tổ dân phố 7, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng cũng được thụ hưởng từ chính sách trên. Anh Tiến chia sẻ: Nhiều năm nay gia đình tôi vẫn chưa có một “mái ấm” riêng, bởi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Cả gia đình 4 người vẫn phải ở nhờ trong căn nhà gỗ mượn của người thân đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Với đồng lương từ việc cắt tóc của tôi, kết hợp với việc bán hàng tạp hóa của vợ, 2 vợ chồng tiết kiệm cũng chỉ đủ mua mảnh đất, nhưng chưa có kinh phí để xây nhà. Đến nay, từ Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, gia đình tôi đã vay 400 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ của 2 bên gia đình nội, ngoại và vay anh em, họ hàng, vợ chồng tôi đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang. Trong đó, tầng 2, tầng 3 để sinh hoạt gia đình, còn tầng 1 gia đình đã tận dụng mặt tiền để mở cửa hiệu cắt tóc, dịch vụ làm đẹp và tiếp tục kinh doanh hàng tạp hóa phục vụ người dân trong vùng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường nên việc kinh doanh của gia đình cũng thuận lợi hơn. Hiện thu nhập của gia đình tôi ổn định, từ 15 – 17 triệu đồng/tháng.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Tuấn, bà Vũ Thị Oanh, khối 20/7, thị trấn Tuần Giáo, làm nghề kinh doanh hàng ăn sáng, 2 năm đại dịch Covid-19 quán nhiều lần phải đóng cửa tạm dừng kinh doanh, ảnh hưởng đến thu hập của gia đình. Sau đại dịch, việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, hàng quán khiến gia đình gặp nhiều khó khăn. Thông qua Chương trình cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Gia đình ông Tuấn đã vay 500 triệu đồng để xây nhà ở; mở rộng diện tích kinh doanh, khang trang sạch đẹp hơn; thu hút khách hàng đến quán nhiều hơn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.
Chương trình cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết 11/NQ-CP, đã mang đến niềm vui cho hàng nghìn cá nhân, hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, có cơ hội được sống trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Những ngôi nhà an cư đã và đang tạo động lực rất lớn để người lao động, công nhân, viên chức, những người có điều kiện khó khăn về nhà ở, an tâm, ổn định cuộc sống, phấn đấu lao động, sản xuất, xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính đến 30/9/2022, toàn tỉnh đã giải ngân được 50.813/61.800 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình cho vay nhà ở xã hội (hoàn thành 82% kế hoạch). |