Tinh tế thổ cẩm Lào

Thứ Ba 16:29 27/06/2017
ĐBP - Những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào đang dần mai một do ảnh hưởng của quá trình phát triển và hội nhập. Song, tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), chị em phụ nữ Lào vẫn cần mẫn bên khung dệt mỗi ngày, với mong ước gìn giữ ngọn lửa cho nghề truyền thống.

Dệt thổ cẩm của dân tộc Lào cũng giống như các dân tộc khác, nhưng có đôi chút khác biệt thể hiện trên mỗi nét hoa văn đặc trưng mang hình vạn, hình voi, hình rắn, hình chùa tháp... Những đường nét tinh tế, không chỉ cho thấy sự khéo léo mà còn thể hiện rất rõ đức tính cần cù, chịu khó của phụ nữ Lào. Nếu như trước đây, chị em chỉ sản xuất được từ 3 – 4 loại sản phẩm thì nay đã có thể làm được gần 40 loại, với hơn 300 hoa văn khác nhau. Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, như: Váy, khăn quàng cổ, túi xách, chăn, đệm, khăn trải bàn... Trung bình một tháng, mỗi chị em có thể làm từ 3 – 10 sản phẩm khác nhau tùy theo nhu cầu của thị trường.

 

Chị em phụ nữ Lào vẫn cần mẫn bên khung dệt mỗi ngày.

Với sự tinh tế, chất lượng và đa dạng, phong phú về mẫu mã sản phẩm nên mặc dù đứng trước sự đa dạng của các sản phẩm thổ cẩm và thị trường may mặc, song thổ cẩm Lào hiện vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Hiện nay, thổ cẩm Lào không chỉ được bày bán và giới thiệu trong tỉnh, mà đang dần vươn xa, trở thành hàng hóa trên một số thị trường: Hà Nội, Sa Pa, Hòa Bình...

 

Thổ cẩm Lào tinh tế với những đường nét hoa văn đặc trưng riêng.

 

Trung bình một tháng, mỗi chị em có thể làm từ 3 – 10 sản phẩm khác nhau.

 

Những nghệ nhân như bà Lò Thị Lún chính là “ngon lửa” giữ cho nghề dệt sống mãi.

 

Hàng ngày, bà Lò Thị Lún vẫn truyền dạy nghề dệt cho con cháu.

 

Hiện nay thổ cẩm Lào hết sức đa dạng với gần 40 mẫu mã sản phẩm và hơn 300 họa tiết hoa văn.

 

Mặc dù không phải là nguồn thu nhập chính, song dệt đã gắn bó và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với phụ nữ Lào.