Pạ loong pạt đỏ thắm trên nương

Thứ Năm 9:02 19/01/2017
ĐBP - Không khí đón xuân năm nay của đồng bào dân tộc Cống, bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé rộn rã, tưng bừng hơn hẳn mọi năm. Không chỉ bởi bà con được Nhà nước hỗ trợ phục dựng Tết Hoa cổ truyền (Mền loóng phạt ai) mà còn bởi sự vui mừng, phấn khởi về những đổi thay của bản làng và quyết tâm cho năm mới mùa màng bội thu, đời sống ngày càng khấm khá.

Từ hơn 1 tháng trước, người dân tộc Cống bản Nậm Kè đã tổ chức Tết Hoa cổ truyền sau khi thu hoạch xong thóc, ngô trên nương. Giờ lại lên nương làm đất chuẩn bị trồng các loại cây lương thực khác. Trên các mảnh nương vẫn thấp thoáng những nhánh hoa mào gà bung nở, trong các ngôi nhà vẫn còn bó hoa mào gà rực rỡ do chị em hái về trang trí và để giống cho vụ sau. Theo tiếng dân tộc Cống, hoa mào gà gọi là pạ loong pạt, biểu trưng cho sự may mắn, tốt đẹp, chỉ được hái khi đón năm mới. Pạ loong pạt còn bung nở thì dường như dư âm ngày tết vẫn còn đâu đây, những ngày không lên nương, người dân bản Nậm Kè vẫn chơi tù lu, bắn nỏ, đẩy gậy; tiếng chiêng, trống vẫn vang lên gọi người già, người trẻ đến vui chơi, múa hát... Dư âm mùa lễ hội với không khí rộn ràng đón xuân mới cùng đồng bào các dân tộc khác vẫn tưng bừng ở bản Nậm Kè.

 

Vào dịp Tết Hoa, mỗi gia đình đều trưng những bó hoa mào gà rực rỡ nhất trong nhà.

Cuối tháng trước, cũng ngày nắng ấm như thế này, bản Nậm Kè nhộn nhịp lắm. Tết Hoa năm nay, bản đón rất nhiều khách. Có cán bộ từ tỉnh, huyện, xã và người dân các bản lân cận đến cùng chung vui; các chiến sỹ công an, bộ đội biên phòng trên địa bàn cũng vào thăm hỏi, chúc tết bà con. Thanh niên trong bản tập trung dựng cổng tre, cắm cờ đầu bản, các cô gái trẻ thì lên nương từ sớm hái hoa mào gà về trang trí. Đàn ông khỏe mạnh thì được giao mổ trâu, làm mâm cỗ. Nhắc lại ngày hôm ấy, bà Lỳ Thị Ghênh cười tươi kể: “Tôi được phân công cùng chị em đồ 1 chõ xôi nếp nương thật lớn, rồi gói từng phần xôi vào trong những chiếc lá dong xanh để bày lên bàn cỗ. Vừa làm vừa có khách đi qua hỏi chuyện, khen xôi thơm”. Mỗi người một việc, cả bản hối hả mà vẫn rộn rã tiếng cười. Sang chiều, phần lớn công việc đã hoàn thành, mọi người về nhà sửa sang trang phục truyền thống, chuẩn bị đồ lễ, rồi người cao tuổi nhất trong nhà thực hiện lễ cúng mời các bậc tổ tiên về dự tết cùng con cháu và cầu sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Sau khi làm xong lễ tại nhà riêng, mọi người gọi nhau tập trung về trung tâm bản. Đúng giờ đẹp đã định, già làng -thầy cúng của bản là ông Hù Văn Sầm bày mâm lễ, bao gồm: khoai sọ, khoai lang, bí đỏ, bánh dày, cá khô, gừng, sả, hành, gạo, trứng, rượu, gà, hoa mào gà, rồi khấn báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của bà con trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới tốt đẹp, dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gà, lợn đầy chuồng. Xong nghi lễ chính thức này thì “mùa” vui xuân bắt đầu, cả bản cùng nhau ăn uống, múa hát cả đêm. Hôm sau, các gia đình đi chúc tết nhau và chơi các trò chơi dân tộc.

Gần 60 năm trước, 3 hộ đồng bào dân tộc Cống đầu tiên đã đến định cư bên dòng Nậm Kè. Trước đây cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, mọi hoạt động đều bó hẹp trong bản nhưng nhờ các chương trình dự án như 134, 135 đầu tư các công trình thiết yếu và hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, đời sống người dân đã dần nâng lên. Đặc biệt, khi Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên" được triển khai, người dân bản Nậm Kè càng có thêm động lực vươn lên. Giờ đây, Nậm Kè là nơi quần tụ của 53 hộ gia đình người Cống với hơn 300 nhân khẩu. Điện về bản, nhà lớp học được xây dựng, cuộc sống của bà con thực sự đã khác xưa.

Đón chúng tôi ở đầu bản trong ngày Tết Hoa, anh Lò Văn Thắng, trưởng bản Nậm Kè chỉ tay vào ngôi nhà sàn bằng gỗ rộng rãi, khang trang, gầm sàn láng xi măng, có công trình vệ sinh sạch sẽ ngay gần đấy, khoe rằng: “Trong bản có nhiều ngôi nhà to đẹp như này lắm, 100% hộ gia đình đã có nhà ở vững chãi, không còn nhà tranh tre dột nát nữa, anh chị vào thăm thì sẽ biết cuộc sống bà con thay đổi thế nào”. Quả thực, nhờ đức tính cần cù chịu khó chăn nuôi, trồng trọt, những năm gần đây, bản không còn hộ thiếu đói dài ngày; số trâu, bò, lợn, gà ngày càng tăng, không chỉ phục vụ gia đình còn bán ra thị trường tăng thu nhập. Trong các ngôi nhà cũng đã xuất hiện nhiều đồ dùng sinh hoạt, đồ điện tử mới, như: ti vi, đầu đĩa, tủ lạnh, nồi cơm điện... Mừng hơn cả là việc học con chữ đã được bà con dân bản quan tâm. Điểm trường mầm non, tiểu học nằm ngay trung tâm bản. 100% trẻ em bản Nậm Kè được đến trường và đi học chuyên cần. Số học sinh tốt nghiệp phổ thông cao. Nhiều người đi học chuyên nghiệp, làm cán bộ trong xã. Trong buổi văn nghệ của bản, chị Hù Thị Hoa chủ động bắt chuyện với tôi và kể: Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, chị không được đi học nên giờ chỉ làm ruộng nương. Vì thế giờ chị quyết tâm cho 2 con đi học để có cuộc sống tốt hơn.

Khoai, sắn đã thu hoạch về đầy nhà, đất nương đã cày xới chờ xuống giống mới, pạ loong pạt vẫn đỏ thắm trên sườn đồi như niềm tin của người dân bản Nậm Kè vào năm mới no ấm, yên vui. Rồi tiếng trống, tiếng chiêng vang lên, điệu múa truyền thống lại bắt đầu, người dân Nậm Kè sẽ đón năm mới với những tiếng cười vui vẻ và hạnh phúc.