Xuân về với người Phù Lá

Thứ Tư 15:27 07/02/2018
ĐBP - Khi những cánh hoa trạng nguyên cuối cùng lụi dần, nhường chỗ cho sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận, khắp bản trên, bản dưới bà con các dân tộc lại náo nức, nhộn nhịp với hoạt động chuẩn bị đón tết nguyên đán. Mặc dù chiếm số lượng gần như ít nhất và yếu thế nhất trong cộng đồng các dân tộc của Ðiện Biên, song với sự hỗ trợ từ các cấp và nghị lực vươn lên, xuân này người Phù Lá đã khởi sắc hơn với những gam màu tươi sáng.

Ðiện Biên, người Phù Lá được xếp vào cộng đồng dân tộc rất ít người, với chưa đầy 200 nhân khẩu, sống tập trung thành 3 nhóm tại các địa bàn: bản Khua Chá, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo); bản Hột và bản Túc, xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa). Tại bản Khua Chá, dân tộc Phù Lá chỉ có 15 hộ, với gần 80 nhân khẩu, sinh sống quần tụ thành một khu vực. Ông Giàng A Dũng, Chủ tịch UBND xã Phình Sáng cho biết: “Vì rất ít người nên trước đây dân tộc Phù Lá chưa thực sự phát triển và thiếu sự quan tâm đúng mức, 100% số hộ đều thuộc diện nghèo. Ý thức dân tộc của bà con cũng chưa cao nên đứng trước nguy cơ mai một, đồng hóa văn hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, xã đã dành nhiều ưu tiên và sự quan tâm đặc biệt đến nhóm dân tộc này. Một phần để thể hiện sự quan tâm của các cấp và cộng đồng đối với họ; mặt khác, tạo động lực để họ yên tâm lao động sản xuất, tự lực vươn lên. Mặc dù chưa ghi nhận điều gì thật sự khác biệt mang tính đột phá, song có thể nói hiện nay họ đã có cuộc sống ổn định hơn”.

 

Ông Sùng A Xa bên con cháu.

Theo như trao đổi của ông Dũng thì hiện nay mọi điều kiện phục vụ cuộc sống, như: giao thông, điện lưới, trạm y tế, trường học... đều được đáp ứng, cơ bản đảm bảo nhu cầu thiết yếu. Ðiều khiến đa phần bà con Phù Lá còn nghèo là do trình độ nhận thức vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, điều này cũng đã và đang được cải thiện trong một vài năm gần đây. Minh chứng là 100% con em dân tộc Phù Lá đến tuổi đều được đến trường, một số đang theo học tại các trường chuyên nghiệp; ở các địa phương đã có những cán bộ người dân tộc Phù Lá đầu tiên...

Là một trong những người Phù Lá sống lâu nhất tại bản Khua Chá, nên ông Sùng A Xa nhận thấy rõ nét sự thay đổi này. Ông tâm sự: “Phải nói bây giờ Nhà nước quan tâm nhiều lắm! Bà con có nhu cầu gì là đều có cái đó. Có điện để sinh hoạt, đường giao thông để đi, điện thoại để liên lạc... Ốm đau giờ không cúng bái, mà có trạm y tế để đến khám chữa bệnh. Trước làm nương thì “chọc lỗ tra hạt”, giờ có ruộng nước, có máy cày... Nhà nào cũng cho con cái đi học, nghe lời thầy giáo và Bác Hồ dạy”. Bản thân ông cũng nhận thức rõ sự thay đổi ngay trong gia đình mình. Ông có 5 người con, mấy đứa lớn trước học cao lắm cũng chỉ hết cấp 2 là nghỉ học lấy vợ, lấy chồng. Thế nhưng đến đứa thứ 5 thì khác, mặc dù là con gái, song hiện nay vẫn đang theo học đại học chuyên ngành Quản lý Nhà nước năm thứ 3 tại Hà Nội. Giờ đây, ông Xa mong từng ngày nhìn thấy con tốt nghiệp, trở về làm cán bộ và xây dựng quê hương.

Cùng chung suy nghĩ “Phải đầu tư cho con đi học cao hơn để về làm cán bộ, giúp đỡ dân tộc mình, bản mình vươn lên, xa hơn nữa là xây dựng quê hương”, gia đình anh Lò Văn Căm, bản Túc, xã Mường Ðun (huyện Tùa Chùa) đang động viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cậu con trai út theo học. Nhà có 4 người con, 2 đứa con gái đã lấy chồng, con trai lớn thì bỏ học ở nhà lao động. Thấm thía được cái đói, cái khổ nên anh càng quyết tâm đầu tư cho thằng út. Bản thân anh cũng tự học để áp dụng trong sản xuất, chăn nuôi của gia đình. “Năm 2015, tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò. Do chăm sóc tốt nên nó vẫn khỏe mạnh, giờ sinh sản thêm được 3 con nữa rồi, trong đó có 1 con đang chửa. Mọi người cứ bảo chăn nuôi ở đây khó lắm, giá rét, dịch bệnh suốt. Nếu mình không học hỏi để biết mà chủ động chăm sóc, chữa chạy cho nó thì làm sao nó lớn được” - anh Căm chia sẻ.

 

Một góc bản Khua Chá trong sắc hoa mơ.

Cuộc sống cải thiện, các điều kiện cơ bản được nâng lên, vì thế những cái tết với người Phù Lá đã dần sung túc hơn. Những ngày này, khi “ngô đã đầy bồ, thóc đã hong khô”, bà con Phù Lá có thể yên tâm gác lại công việc đồng áng để tất bật chuẩn bị cho một cái tết tươm tất, đầm ấm. Vui nhất có lẽ là với gia đình ông Lò Văn Phờ, bản Khua Chá, xã Phình Sáng, (huyện Tuần Giáo), khi ngôi nhà mới kiên cố còn thơm mùi gỗ vừa được hoàn thành nhờ sự giúp đỡ của xã và bà con trong bản.Tuy không quá lớn, nhưng so với ngôi nhà dột nát, siêu vẹo trước kia, thì đã khang trang hơn rất nhiều.

Không giấu nổi niềm xúc động, ông Phờ chia sẻ: “Nhà thì có 4 người thôi, nhưng 2 vợ chồng đều già yếu cả. Có 2 đứa con, 1 đứa bị khuyết tật, đứa kia cũng chẳng khôn khéo gì nên khó khăn, nghèo khổ mãi. Có ngôi nhà vách nứa làm chỗ chui ra chui vào thì đợt bão trước bị tốc hết mái, cứ chắp vá ở thế thôi. Vừa rồi được cán bộ xã quan tâm mỗi người đóng góp một ít, rồi bà con trong bản giúp ngày công làm cho nhà mới. Nếu không có sự hỗ trợ, chắc hết đời vợ chồng già này và cả 2 đứa con phải chịu ở thế thôi. Giờ thì mừng quá, năm nay được ăn tết trong nhà mới rồi!”.

Niềm phấn khởi ấy khiến không khí chuẩn bị tết của gia đình ông Phờ năm nay nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm và không thua kém gia đình nào trong bản. Mọi người vui vẻ tập trung quét dọn nhà cửa, vệ sinh lối ngõ sạch sẽ, gọn gàng. Củi lửa là thứ không thể thiếu nên ông Phờ đã chuẩn bị sẵn từ trước. Còn bánh trưng và bánh dày là 2 thứ bánh quan trọng nhất trong mâm cúng ngày tết, nên dù năm nay không được mùa nhưng vợ ông vẫn chuẩn bị chu đáo gạo nếp, lá dong... đủ cho 20 chiếc bánh. Cũng giống như nhiều gia đình người Phù Lá khác, ông Phờ mong muốn “Năm mới, mọi thứ sẽ vuông tròn, đủ đầy như chiếc bánh!”.