Ðộc đáo Lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái Ðiện Biên

Thứ Năm 8:23 03/05/2018
ĐBP - Nhằm giới thiệu những nét văn hóa độc đáo trong lễ tục của người dân tộc Thái tới người dân và du khách khi đến tham quan Ðiện Biên, mới đây, tại Nhà văn hóa bản Ten B, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên), Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian (CLB BTVHVNDG) dân tộc Thái (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ðiện Biên) đã dựng lại tục “làm vía” hay còn gọi là Lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái Ðiện Biên. Ðây là một trong những lễ tục có từ rất lâu đời của người dân tộc Thái, với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ.

Bà Lò Thị Kim, Chủ nhiệm CLB BTVHVNDG dân tộc Thái Ðiện Biên, chia sẻ: “Lễ buộc chỉ cổ tay được người Thái tổ chức để giữ vía cầu an. Ngoài ra, tùy vào từng hoàn cảnh mà Lễ buộc chỉ cổ tay mang một ý nghĩa khác nhau. Vào dịp đầu năm mới, Lễ buộc chỉ cổ tay để cầu may mắn, sức khỏe cho những người trong gia đình. Khi nhà có người ốm đau, bệnh tật, gia đình cũng tổ chức lễ tục này để cầu sức khỏe, tai qua nạn khỏi. Khi có người qua đời thì họ hàng sẽ thực hiện Lễ buộc chỉ cầu cho linh hồn người đã khuất sớm được siêu thoát; đồng thời đem lại sự bình an cho con cháu trong nhà. Ðối với đám cưới, lễ buộc chỉ cổ tay để chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Buổi dựng lại lễ buộc chỉ cổ tay, được tổ chức với ý nghĩa cầu may cho mọi người dịp đầu năm mới”.

 

Nghệ nhân CLB BTVHVNDG dân tộc Thái Ðiện Biên thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay cho người dân và khách du lịch.

Lễ buộc chỉ cổ tay gồm 2 phần chính là nghi thức cúng và nghi thức buộc chỉ. Trước khi nghi thức cúng diễn ra, chúng tôi thấy lễ cúng đã được chuẩn bị sẵn sàng trong khuôn viên nhà văn hóa bản Ten B. Lễ cúng gồm một con lợn to, 1 con gà luộc, các loại hoa quả, 3 têm chầu cau, 1 bát gạo trắng, 1 bát đựng rượu và đặc biệt không thể thiếu một cuộn chỉ màu đen.

Ðến giờ đẹp, mọi người ngồi quây quần xung quanh mâm cúng, thầy cúng là người có uy tín trong bản bắt đầu hát lời cúng bằng tiếng Thái, mời gọi thần linh, tổ tiên về nhận lễ vật dâng và chứng kiến nghi thức buộc chỉ. Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Lường Thị Ðại, thành viên CLB BTVHVNDG dân tộc Thái, cho biết: “Theo quan niệm của người Thái, đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía, khi hồn vía lìa khỏi thân xác thì họ sẽ hồn bay phách lạc vài vía, sẽ sống trong cảnh ốm đau, bệnh tật, tai ương và gặp vận không may trong cuộc sống. Chính vì thế, lễ buộc chỉ cổ tay có ý nghĩa trong việc giữ vía, cầu an; đồng thời là một giá trị tâm linh mang đậm nét văn hóa lâu đời của người Thái. Tại buổi lễ, mọi người cần ngồi ngay ngắn, nghiêm trang để lắng nghe lời hát cúng”.

Khi cúng xong, thầy cúng cầm cuộn chỉ đã được chia thành nhiều đoạn phân phát cho người lớn, người cao tuổi để tiến hành buộc chỉ cổ tay cho các con, cháu, dân bản và khách du lịch tại buổi lễ. Nghệ nhân Lường Thị Ðại, cho biết: “Tùy thuộc vào hoàn cảnh trước khi làm lễ, người dân tộc Thái sẽ sử dụng những sợi chỉ khác nhau, sợi chỉ đen dùng trong việc cầu bình an; sợi chỉ đỏ dùng trong đám cưới; sợi chỉ trắng dùng khi gia đình có người thân mất... Ðặc biệt, sợi chỉ này khi đã buộc vào cổ tay thì không được tự tháo ra mà phải để cho sợi chỉ đó tự đứt, có như vậy mới giữ được ý nghĩa của Lễ buộc chỉ cổ tay...”.

Nhận được những sợi chỉ đen buộc trên tay, mỗi người đều phấn khởi, an tâm và tươi vui lạ thường. Anh Lường Minh Chiến, trú tại tổ dân phố 15, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: “Chứng kiến lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái ở Ðiện Biên, tôi thấy đây là lễ tục không chỉ độc đáo, mà còn mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh, khiến người được buộc chỉ cảm thấy bình an, hạnh phúc và phấn khởi hơn trong cuộc sống”.

Ðược biết, trải qua nhiều thập kỷ, cộng đồng người dân tộc Thái ở Ðiện Biên vẫn giữ nguyên vẹn lễ buộc chỉ cổ tay vào các dịp đầu năm mới, cưới hỏi, ma chay... Ðây là lễ tục tâm linh mang đậm bản sắc dân tộc Thái, vì thế cần được bảo tồn, giữ gìn trong thời kỳ hội nhập văn hóa như hiện nay.