Noong U - “Thiếu nữ ngủ quên”

Thứ Hai 12:40 28/01/2019

ĐBP -  “Tương truyền, ai đặt chân đến vùng hồ thì đi cả ngày lại quay về chỗ cũ; ai cả gan ăn cá lòng hồ, chỉ trong phút chốc máu trong mũi, trong miệng cứ thế trào ra không thể cản, thậm chí đã có người phải đổi bằng tính mạng. Không biết lời nguyền độc địa ấy linh nghiệm đến đâu nhưng tôi thì lại nghĩ, tạo hóa sinh ra vạn vật vốn đã để con người và thiên nhiên sống gắn bó với nhau. Chỉ cần mình làm bằng cái tâm, đừng hại đến nó, thì cũng chẳng có thế lực nào hại mình” - già làng Cứ Chừ Tú, người Mông đầu tiên dám bước qua sợ hãi cố hữu để hóa giải “lời nguyền” về hồ trên núi Noong U đã nói và chứng minh như thế…

 

Khung cảnh đầy thơ mộng của hồ Noong U.

Ám ảnh hồ trên núi

Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, hồ Noong U (thuộc xã Noong U, huyện Ðiện Biên Ðông) gói trọn trong vòng ôm của dãy Phù Lùng. Ðây là hồ nước tự nhiên lớn và duy nhất ở huyện vùng cao Ðiện Biên Ðông, với diện tích mặt nước được các cơ quan chuyên môn đo là khoảng 5ha. Chính bởi ở giữa tứ bề núi rừng, hoang vu, mặt hồ quanh năm phẳng lặng, xanh mướt, cùng với những câu chuyện “nhân - quả” đầy kỳ bí nên lâu nay Noong U được dân trong vùng ví như “mắt rừng”. Có lẽ, cũng chính bởi sự “lạ đời” ấy mà những lời nguyền ma quỷ được dựng lên mỗi khi có bất cứ hiện tượng không thể lý giải nào xảy ra trong vùng.

Theo các cụ kể lại, trước kia khu vực này chỉ là một rừng hoang, cũng đã có một vài hộ sinh sống lân cận. Chiến tranh chống Pháp diễn ra, họ đi nơi khác hết. Sau ngày giải phóng, những hộ đầu tiên quay lại, hình thành nhóm dân cư khoảng 10 hộ. Ðể có lương thực, họ bắt đầu khai phá một phần diện tích rừng lấy đất canh tác; săn bắt cá, động vật rừng làm thức ăn. Trong quá trình đó họ đã phát hiện ra một hồ nước tự nhiên, ngày ấy còn rất âm u, vì cây rừng um tùm. Có lẽ, vì phạm đến đất, đến nước, đến sản vật rừng thiêng trước sự chứng kiến của “mắt rừng”, mà không xin phép, nên nhiều người đã phải đổ máu. Những trường hợp bắt cá ở hồ, ăn xong ngay tức thì máu trong mũi, trong miệng trào ngược ra khiến nhiều người phải khiếp sợ. Cứ thế, rồi đến lúc có người đang khỏe mạnh, bỗng chết “bất đắc kỳ tử” không lý giải nổi, người ta lại chiêm nghiệm “ngày hôm qua, hôm kia vừa ăn cá ở hồ…”. Cũng có một số người hiện nay còn sống, xưa kia đã rơi vào cảnh đi lạc trong rừng, sau cả ngày lại quay về chỗ cũ. Họ lại “vin” vào lý do ma làm. Thế là lời nguyền theo gió, thổi đi khắp vùng. Dân trong bản, trong xã tự lúc nào khiếp sợ, mặc dù tiếc nuối, song đành bỏ mặc hồ Noong U trở lại hoang vu như thuở ban đầu.

 

Già làng Cứ Chừ Tú - người đầu tiên bước qua “lời nguyền” về hồ Noong U.

Bước qua lời nguyền

Những câu chuyện kỳ bí về hồ Noong U cứ thế lan truyền như một “lời nguyền” không ai dám hóa giải. Thế nhưng người tiên phong dũng cảm hóa giải “lời nguyền” ấy ở Noong U không ai khác, là ông Bí thư thời bấy giờ Cứ Chừ Tú.

Ðộng lực thôi thúc ông Tú dám làm, bắt đầu từ việc dám nghĩ, và được khơi thông bằng một hội nghị về phát triển kinh tế vườn rừng (VACR) được tổ chức ở cấp tỉnh. “Ðó là vào khoảng năm 1994. Khi ấy tôi được mời tham gia một hội nghị do ngành Nông nghiệp tổ chức. Ở đó họ khuyến khích và hướng dẫn phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình kết hợp vườn rừng. Lúc ấy tôi nghĩ ngay đến hồ Noong U. Không phải ở đâu cũng có được lợi thế tự nhiên như vậy. Tạo hóa đã ban cho, mà không biết khai thác, để cuộc sống đói nghèo trông chờ, ỷ lại, đó là một cái tội. Mà tội lớn nhất khi ấy là tôi, vì là người đứng đầu” - ông Tú hồi tưởng.

Nghĩ là làm, ông lập tức mang theo tất cả kiến thức, tài liệu từ hội nghị trở về quê hương. “Thế còn lời nguyền, liệu có vận vào mình? - Có lẽ không, nếu mình thật sự có tâm thì thần sẽ thấu. Có sợ không - Có, nhưng không thử thì không bao giờ có kết quả!...”. Những câu hỏi liên tiếp đặt ra, rồi cũng chính ông tự trả lời.

Với vai trò của người đứng đầu địa phương, ông Tú bắt đầu bằng việc tuyên truyền, vận động bà con trong bản, trong xã cùng tham gia nuôi cá trên lòng hồ. 9 hộ đầu tiên “dũng cảm” theo ông, theo thời gian, không đủ sự kiên trì nay chỉ còn 6 hộ. Ðể không bất kính với các vị thần, trước sự chứng kiến của “mắt rừng” hồ Noong U, ông làm một cái lễ, khấn cầu xin phép đầu cuối. Lứa cá giống đầu tiên thả xuống hồ chi phí hết 600 nghìn đồng do ông tự bỏ tiền túi. Các hộ khác chung công sức trông nom. Song thật buồn là đến khi thu hoạch không ai dám mua vì vẫn ám ảnh lời nguyền.

Cá trong hồ cứ thế để tự nhiên, ngày một lớn dần. Trận mưa định mệnh của 2 năm sau đó khiến một phần cá trong hồ tràn ra ngoài, một số hộ vô tình bắt về ăn. Thật lạ là chẳng ai bị làm sao. Kể từ đó, lời nguyền dần xóa bỏ. Còn với ông Tú, những hiện tượng lạ sau này được ông lý giải dần: “Người vào đây đi lạc cũng phải, bởi rừng cây um tùm, hồ rộng, cảnh lại đẹp, người ta mải mê ngắm mà chẳng biết đường biết lối, đi hết một vòng thì tất quay về chỗ cũ. Chuyện chảy máu mũi, máu miệng thật ra do khu vực này trước đây còn rậm rạp, vắt nhiều nên dễ bị vắt tấn công, một phần cũng do tâm lý quá sợ hãi từ những lời đồn trước đó… Còn chuyện người chết, là chuyện nhân - sinh ở đời, không có căn cứ nào để khẳng định do ăn cá ở hồ…”.

Và trăn trở của người hóa giải

Với lợi thế từ khí hậu, thổ nhưỡng, ông Tú khát khao xây dựng Noong U thành một khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho các gia đình vào dịp cuối tuần. Ðể chứng minh ý tưởng này không phải bộc phát, ông dẫn chúng tôi tham quan hết khuôn viên rừng thông rộng hơn 7.000m2 đã có tuổi đời hơn 20 năm. Khu rừng được hình thành dựa trên những hồi tưởng sau chuyến ông đi tham quan, du lịch Ðà Lạt. Ban đầu, chính quyền xã phản đối vì cho rằng cây thông không phù hợp. Song với sự kiên trì, 6 bao tải cây giống là 6 lần ông lặng lẽ vác bộ hàng chục cây số từ quốc lộ lên. Những mầm thông đầu tiên được trồng trên diện tích nương khô cằn, đã bỏ không của gia đình. Theo thời gian, khí hậu trên cao quanh năm lạnh, mây mù bao phủ đã nuôi dưỡng rừng thông ngày thêm xanh tốt. Giờ đây, nó trở thành “chiếc bình ô xy”, mà ngày nào ông Tú và người dân trong bản cũng không quên ghé qua một lần để hít thở…

Với suy nghĩ “mọi thứ đều sinh ra từ tự nhiên, và con người cần sống hòa đồng với nó”, nên có một điều thú vị ở đây là cá dưới lòng hồ, hay các loại gia súc, gia cầm đều được ông Tú nuôi thả tự nhiên, tức là không cho ăn thức ăn ngoài, song vẫn phát triển to lớn như thường. Ðã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu năm, ông Tú và nhóm hộ của mình chung vốn mua cá giống, thả xuống lòng hồ, rồi chỉ việc phân nhau trông nom. Hễ chính quyền xã, rồi nhà nào có việc đến mua, họ mới cất lên bán, số tiền thu được sẽ chia đều cho các hộ. Tuy nhiên, nguồn lợi kinh tế mang lại chỉ giúp họ trang trải một phần cuộc sống, mà chưa thể làm giàu.

Ông Giàng Nhìa Sùng, Chủ tịch UBND xã Noong U cũng thừa nhận: “Hiện nay, toàn bộ khu vực này, bao gồm cả hồ, rừng đã được xã giao cho ông Tú và nhóm hộ của ông quản lý, khai thác. Việc quản lý thì rất tốt, song khai thác thì chưa được như mong muốn, do khó khăn về giao thông. Muốn khai thác du lịch, song lại thiếu sự đầu tư, người có nhu cầu thì chưa biết đến; sản phẩm làm ra cũng không đến được với thị trường… Mà để phá bỏ được tất cả những rào cản này thì bản thân ông Tú hay địa phương thôi là chưa đủ; cần sự đánh giá, nhìn nhận và quan tâm của nhiều cấp”.

Ðã từng có nhiều người tìm đến đặt mua gỗ thông, nhưng ông Tú không bán. Ông muốn rừng thông của ông được phát huy giá trị theo cách khác. Ông nghĩ đến một ngày có người nào đó đủ tiềm lực, nhìn thấy được tiềm năng ở đây, có cùng tâm huyết với rừng như ông, khi ấy ông sẵn sàng san sẻ. Và không chỉ là hy vọng, mà chúng tôi tin vào điều đó; bởi nếu ai đó đến Noong U vào mùa xuân sẽ được đắm mình trong không gian núi rừng, hít hà không khí trong lành và cùng ngắm các loài hoa đua nhau khoe sắc, in bóng dưới làn nước trong xanh như ngọc bích... Ban mai sương giăng quyện nắng, bảng lảng trên mặt hồ yên ả; lắng nghe tiếng khỏa nước nhẹ nhàng của chiếc thuyền độc mộc, hòa cùng tiếng chim chóc giữa mênh mông sóng nước sẽ không còn thấy đơn độc, dù là đi một mình. Ðây cũng là thời điểm trai gái người Mông trong vùng kéo nhau về hò hẹn, tìm hiểu, giao duyên, càng khiến cho lòng hồ thêm rực rỡ. Chẳng ngoa khi người dân ở đây ví hồ Noong U như người con gái đang độ xuân thì. Song đúng như cách nói vui đầy ẩn ý của ông Tú thì “Ðây là thiếu nữ ngủ quên đang cần người đánh thức”!.