Còn đó “cánh cửa thép” Him Lam

Thứ Tư 9:36 13/03/2019

ĐBP - Tôi về thăm di tích Trung tâm đề kháng Him Lam vào một ngày trung tuần tháng 3 và cũng vô tình bắt gặp một đoàn khách chừng 30 người đang lặng lẽ thắp nến tri ân tại cứ điểm lịch sử này. Hỏi ra mới biết, họ đều là người dân Ðiện Biên có tấm lòng hướng về lịch sử, cội nguồn. Hôm nay họ đến đây để cầu siêu và tưởng nhớ công ơn anh hùng Phan Ðình Giót, cũng như những người đã ngã xuống hoặc gửi lại một phần máu xương trên quả đồi lịch sử, để đổi lại chiến thắng vang dội của trận mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ngày 13/3 của 65 năm về trước.

 

Trung tâm Ðề kháng Him Lam thu hút khách tới tham quan vào dịp tháng 3.

Sử sách còn ghi lại, cùng với Ðộc Lập (phía Bắc), bản Kéo (Tây - Bắc), thì Him Lam là một trong ba trung tâm đề kháng và được mệnh danh là “cánh cửa thép” của tập đoàn cứ điểm thực dân Pháp tại Ðiện Biên Phủ. Trong tất cả các vị trí thuộc tập đoàn cứ điểm, Him Lam được quân Pháp xây dựng đầu tiên trên điểm cao gần 500m, gồm 3 cứ điểm trên ba quả đồi, nằm ngay cửa ngõ Ðông - Bắc cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Ðiện Biên và cách phân khu trung tâm 2,5km.

“Với địa thế đầu sóng ngọn gió nên Him Lam được xây dựng thành vị trí kiên cố nhất của tập đoàn cứ điểm. Quân Pháp đã bố trí tại đây 750 binh sĩ trang bị hỏa lực rất mạnh, thuộc Tiểu đoàn 3, Bán lữ đoàn Lê Dương số 13 - một trong những đơn vị thiện chiến nhất của thực dân Pháp. Với những vị trí chiến lược quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả cả Chiến dịch Ðiện Biên Phủ nên Him Lam được Bộ Chỉ huy mặt trận của ta xác định lựa chọn làm trận mở màn. Nhiệm vụ tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam được giao cho Ðại đoàn 312” - đó là thông tin khớp nối đầu tiên tôi có được từ cựu chiến binh chiến dịch Ðiện Biên Phủ Nguyễn Hữu Chấp.

Trong trận mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đánh vào Him Lam, ông Chấp nhận nhiệm vụ làm Khẩu đội trưởng, trực tiếp tham gia chiến đấu. Ông bảo: “Tôi đã từng tham gia 6 trận chiến lớn, trước mỗi trận chiến, nhất là trận có tính chất quyết định như Him Lam thì chúng tôi phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Ngoài vũ khí, trận địa, thì tinh thần là vô cùng quan trọng. Khi chưa đánh Him Lam, quân Pháp kiêu căng lắm. Chúng rải truyền đơn, phát loa phóng thanh tuyên truyền với nội dung kêu gọi Việt Minh không nên nghe tướng Giáp đánh vào Him Lam. Him Lam là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm, Tập đoàn Ðiện Biên Phủ là cối xay thịt. Nếu cố tình đánh vào Him Lam, sẽ không còn điều kiện để về với gia đình. Nhưng anh em bộ đội ta khi ấy quyết tâm lắm. Ðảng viên như chúng tôi họp chi bộ, mỗi người phải làm một quyết tâm thư “Quyết đánh quyết thắng, không thắng không về”, rồi sau đó lại về vận động anh em ngoài Ðảng, mỗi đồng chí viết một khẩu hiệu cài trên mũ. Hiện nay quyết tâm thư đó vẫn còn được lưu lại tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ”.

Khi nhận được lệnh chiến đấu vào Him Lam, lực lượng quân đội ta phải hành quân từ Tà Lèng vào ngay trong đêm. Hôm ấy trời mưa như trút, mỗi giờ trôi qua chỉ đi được chừng vài trăm mét, vì phải mang theo cả vũ khí, đạn pháo. Từ Tà Lèng ra đến cánh đồng Him Lam (khu vực Quảng trường thành phố bây giờ) mất đúng một đêm. Ra đến nơi mỗi người có một hầm hàm ếch, nằm ở đó chờ nguyên một ngày trong sự căng thẳng rất lớn. Ðúng 17 giờ 30 phút, khi có hiệu lệnh, toàn bộ anh em ào lên. Nhìn lên quả đồi Him Lam lúc ấy chỉ thấy khói. Ngay loạt đạn đầu tiên, cờ Pháp trên mỏm 1 gãy ngay lập tức.

Bất ngờ, quả cối 120 bắn ngay trước mặt đã hất tung ông Chấp về phía sau, tai ù hết đi, không thể nghe được tiếng anh em gọi. Sau một hồi trấn tĩnh, được anh em báo cáo lại là khẩu cối 82 của mình cũng bị chết một miếng, xin ý kiến chỉ đạo. Ông Chấp yêu cầu đồng đội lập tức kiểm tra pháo, lấy lại khẩu độ và tiếp tục bắn.

Trong khi pháo ta vẫn đang bắn cấp tập vào các vị trí mục tiêu, quân địch chưa kịp phản ứng thì các đơn vị xung kích đánh vào các cứ điểm 1, 2, 3.  Ta nhanh chóng mở được cửa, bắt đầu xung phong, tiến vào đồn địch. 23 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, sau hơn 5 giờ chiến đấu, Ðại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ, hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng Him Lam, giáng một đòn mạnh mẽ vào Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Từ chiến thắng đầu tiên này đã nhanh chóng khích lệ, động viên tinh thần toàn lực lượng, tạo thời cơ thuận lợi tiến công đánh chiếm hai cứ điểm còn lại trong kế hoạch của đợt tấn công thứ nhất là Ðộc Lập và Bản Kéo.

Tuy nhiên, trong trận đánh này, chúng ta đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của anh hùng Phan Ðình Giót, người đã lấy thân mình bịt các hỏa điểm của địch, tạo thời cơ cho đồng đội tiến lên. Cùng với Bế Văn Ðàn, Tô Vĩnh Diện và Trần Can, thì Phan Ðình Giót đã trở thành 1 trong 4 vị anh hùng nổi bật cho tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, trở thành tấm gương và những cái tên bất tử trong sử sách, gắn liền với Chiến thắng Ðiện Biên Phủ sau này. Hiện nay, ngay trên đỉnh đồi Him Lam, tại phân khu 2, bia tưởng niệm anh hùng Phan Ðình Giót được đặt ngay tại vị trí anh hy sinh. Và hôm nay, cũng giống như mỗi dịp tháng ba của nhiều năm trước, vị trí ấy vẫn nghi ngút khói hương mà người dân ghé thăm để lại, như một cách bày tỏ sự tri ân.

Hòa vào dòng người tri ân các anh, đặt chân tới thăm các phân khu di tích lịch sử Trung tâm đề kháng Him Lam, nằm trên một quần thể đồi thuộc địa bàn phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) hôm nay, tôi như được chứng kiến khoảnh khắc Him Lam chìm trong khói lửa khi khớp nối với dòng ký ức từ nhân chứng lịch sử Nguyễn Văn Chấp. Ðúng như tên gọi Him Lam không hề thay đổi, những minh chứng hào hùng của lịch sử cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn, như: Hệ thống hầm cố thủ, giao thông hào, lô cốt, trận địa chiến đấu kiên cố cùng với tầng lớp hàng rào dây thép gai. Dưới hàng rào là cả bãi mìn dày đặc, với những hố lớn, nhỏ cách nhau chừng nửa mét.

Ðược biết, năm 2006 UBND tỉnh Ðiện Biên đã phê duyệt Dự án Ðầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Khu trung tâm đề kháng Him Lam, với 5 gói thầu có tổng mức đầu tư 48,374 tỷ đồng. Dự án đã bảo tồn, phục chế 16 hầm, ụ súng, hố bắn cá nhân, hào giao thông, hào chiến đấu; hàng rào dây thép gai; xây phù điêu, cụm tượng đài; đường vào khu dich tích… và nhiều công trình phụ trợ khác. Ðến năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản điều chỉnh dự án, với quyết tâm đưa Khu đề kháng Him Lam vào lịch trình khai thác chính của các quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Con đường bê tông sạch đẹp và những tấm biển chỉ dẫn vào khu di tích hôm nay đã giúp nhiều đoàn khách thuận tiện hơn khi muốn tìm về lịch sử. Ðứng trên đỉnh đồi Him Lam, phóng tầm mắt xuống phía dưới thấy một góc nhỏ cửa ngõ của thành phố, đó chính là phường Him Lam đang khoác trên mình chiếc áo mới. Những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên; xe cộ tấp nập nối nhau trên còn đường một chiều rộng thênh thang rực rỡ cờ hoa dẫn vào trung tâm thành phố. Tôi vẫn thấy một “cánh cửa thép” Him Lam, nhưng hôm nay đầy kiêu hãnh khi đứng giữa một thành phố hoa ban trong những ngày tháng ba rực rỡ.