Chợ... để ngắm

Thứ Sáu 0:00 09/01/2015
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Chợ Chi Luông, phường Na Lay và chợ Đồi Cao, phường Sông Đà (thị xã Mường Lay) là 2 chợ loại III (nghĩa là chợ có dưới 200 điểm kinh doanh, phục vụ nhu cầu mua bán hàng hoá của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận) được xây dựng từ nguồn vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Đáng tiếc thay từ khi đưa vào sử dụng (7/2013) đến nay, cả hai chợ đều không phát huy được công năng. Thậm chí chợ Chi Luông còn không người mua bán, mà trở thành nơi làm bún, nhà ở của một số người.

Chợ Chi Luông đóng cửa từ khi chợ vừa hoàn thành.

Chợ Chi Luông được đầu tư xây dựng khá khang trang, hiện đại trên khuôn viên rộng hơn 1.000m2, thế nhưng từ khi chợ đi vào hoạt động đến nay vẫn không có người bán, người mua. Bên trong chợ, cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục đang dần xuống cấp. Chị Lò Thị Tình, bán rau ngoài cổng chợ cho biết: “Từ khi chợ xây xong đến nay không có ai vào mua bán. Chúng tôi có mớ rau nên cũng ngại vào, với lại tâm lý người mua cũng không muốn vào chợ vì mất thời gian”. Trong khi chợ mới bỏ không thì bên ngoài, nhiều chợ tự phát lại tấp nập kẻ bán người mua; có người còn đưa sạp hàng tràn xuống lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Bà Lò Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Na Lay, cho biết: Từ khi nhận bàn giao chợ đến nay không có ai vào buôn bán, trong khi hàng tháng vẫn phải trả tiền công cho người trông chợ nên UBND phường cũng đã cho một người dân thuê để làm bún. UBND phường nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân không tổ chức họp chợ, buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè mà chuyển vào trong chơ, nhưng không ai chuyển vào. Phường đành chịu.

Gia đình bà Lò Thị Hằng thuê một ki ốt trong chợ Đồi Cao để làm chỗ ở.

Chợ Đồi Cao cũng chung cảnh “bi đát” không kém chợ Chi Luông. Chợ Đồi Cao được xây dựng với quy mô lớn hơn, gần 3.000m2, 36 ki ốt cho thuê với đầy đủ các hạng mục như: bể nước, phòng làm việc của người trông chợ, nhà để xe... Được biết, thời gian đầu khi chợ vừa xây xong cũng có vài tiểu thương thuê, nhưng chưa đầy một tháng sau họ đồng loạt trả lại ki ốt vì không có người mua. Số ít tiểu thương còn bám trụ lại với mong muốn vớt vát vốn đã bỏ ra. Mặc dù tiền thuê ki ốt khá rẻ, chỉ 100 nghìn đồng/tháng đối với các ki ốt bên trong chợ, còn các ki ốt bên ngoài 400 nghìn đồng/tháng, nhưng vẫn không có người thuê. Ban đầu chợ Đồi Cao được quy hoạch là chợ giao thương thủy sản, thế nhưng thủy sản đánh bắt được hầu hết người dân đem xuống chợ Nậm Cản để bán, vì nếu bán trên địa bàn phường sẽ không có người mua. Thấy khu chợ bỏ hoang phí, một số người dân đã “nhảy dù” vào chợ làm nhà ở, nuôi gà, làm nơi chứa gỗ. Ông Đặng Giang Hà, người trông coi chợ, than thở: Mỗi lần đi ngang qua thấy chợ vắng tanh mình buồn lắm. Hiện nay, chợ chỉ có 3 hộ buôn bán. Do ít người quá nên người dân đề nghị chuyển đổi mục đích cho đỡ phí nhưng không thấy cơ quan nào ngó ngàng tới. Cứ như thế này, người dân không có đất làm kinh tế, còn chợ thị lại bỏ hoang.

Qua khảo sát thực tế trên địa bàn thị xã Mường Lay chúng tôi nhận thấy, chỉ trong vòng bán kính khoảng 5km có 5 cái chợ kiên cố và một trung tâm thương mại, trong khi dân cư không nhiều. Ví như chợ Đồi Cao ở phường Sông Đà, nằm ở vị trí trung tâm khu dân cư, thế nhưng cả phường chỉ có 290 hộ dân, hầu hết người dân đều không có công việc ổn định nên nhu cầu mua bán cũng hạn chế. Theo quy định, vị trí quy hoạch chợ phải thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại của dân cư đường bộ, đường thủy, bố trí gần khu dân cư và trung tâm hành chính của xã. Đồng thời, phải kết hợp hoạt động chợ với các dịch vụ thương mại, văn hóa khác có liên quan. Bà Trần Thị Nụ, Phó Chủ tịch UBND phường Sông Đà cho biết: Phường Sông Đà là điểm cuối cùng của thị xã, nên chỉ có người dân trong phường sử dụng chợ, chứ người ở nơi khác đến mua bán không có. Do đó, để phát huy hiệu quả của chợ là nơi giao thương mua bán của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thì việc xây chợ phải thực sự xuất phát từ nhu cầu và phù hợp với phong tục, tập quán của người dân tại địa phương đó.

Còn đối với chợ Chi Luông xây dựng phục vụ người dân phường Na Lay, nhưng thực tế trên địa bàn phường Na Lay hiện có đến 3 chợ kiên cố (gồm cả chợ Chi Luông) và 1 trung tâm thương mại đang hoạt động, trong khi cả phường chỉ có 1.488 nhân khẩu. Như vậy chỉ cần làm một phép tính đơn giản lấy 1.488 chia 4 sẽ được 372 hộ/chợ. Hơn nữa, khoảng cách giữa chợ Chi Luông với các chợ Nậm Cản, Cơ Khí không xa nên tình trạng người dân chọn chợ Nậm Cản, Cơ Khí là điều đương nhiên.

Trước thực trạng trên, rất mong cơ quan chức năng sớm có những giải pháp tích cực, quyết liệt để đưa các chợ trở về đúng với chức năng của chợ, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư.