Dự án Thoát nước và Thu gom xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ

Liệu có đảm bảo chất lượng?

Thứ Tư 0:00 06/04/2016
ĐBP - Dự án Thoát nước và Thu gom xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007, sử dụng vốn vay ưu đãi của Phần Lan với mục tiêu: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân… Tuy nhiên trong quá trình thi công, việc nhà thầu thi công ồ ạt đã khiến đường phố bụi mù, nhem nhuốc, đất đá vung vãi lởm chởm ra lòng đường làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; nhiều tuyến phố được “làm trả” nhưng không đúng như thiết kế ban đầu khiến người dân bức xúc…

Những con đường… “vá”

Thời điểm này, khắp các tuyến phố trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đâu đâu cũng thấy công nhân cùng những chiếc máy xúc, máy ủi chạy ầm ầm thi công công trình “Thoát nước và thu gom xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ” do Ban Quản lý chuyên ngành xây dựng (Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư; tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ môi trường và Hạ tầng kỹ thuật Lạc Việt; Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư phát triển kinh tế đô thị là nhà thầu thi công. Trong quá trình thi công, nhiều con đường kiên cố, bằng phẳng, sạch đẹp, như: Đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Công Chất, Lò Văn Hặc... bỗng trở nên nhem nhuốc, chắp vá, ghồ ghề do bị khoan cắt, đào xới thiếu khoa học. Không chỉ thế, chẳng hiểu vì sao, do tư vấn, thiết kế hay do nhầm lẫn… mà có những con đường bị “cắt nhầm” để rồi phải cắt lại?

Đơn vị thi công cắt nhầm làm bật tung nắp đậy hệ thống mương dẫn nước tổ dân phố 12, phường Nam Thanh.

Đeo khẩu trang bịt kín mặt vì bụi dưới lòng đường bay lên ảnh hưởng từ việc thi công lắp đặt đường ống thoát nước và thu gom xử lý nước thải, chị Nguyễn Thị Loan, tổ dân phố 1, phường Nam Thanh nói: Do nhà ở ngay mặt đường nên gần một tháng nay, chúng tôi lúc nào cũng bị “tra tấn” bởi tiếng máy xúc, máy ủi làm việc ầm ầm. Ô nhiễm tiếng ồn là thế, bụi thì bay mù mịt, len lỏi cả vào nhà làm bẩn hết bàn ghế, đồ đạc trong nhà. Ngày nào tôi cũng phải lau chùi không dưới 10 lần. Trời nắng thì chớ, hễ mưa, đường lại trở nên nhem nhuốc do lớp bùn đất khoét lên để lắp đặt đường ống. Chẳng biết bao giờ người ta mới làm xong, nhưng đến thời điểm này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình tôi cũng như những hộ dân sinh sống quanh khu vực này. Đó cũng là tâm trạng chung của những khu dân cư nơi công trình đang thi công. Còn với những tuyến đường đã hoàn thành và “tạm” bàn giao, người dân cũng không đồng tình với cách làm của đơn vị thi công. Nguyên nhân bởi những tuyến đường trước đây bằng phẳng, kiên cố là thế bỗng trở nên lởm chởm, ghồ ghề sau khi thi công công trình lắp đặt đường ống thoát nước và thu gom xử lý nước thải. Chỉ tay vào công trình vừa hoàn thành trên đường Nguyễn Chí Thanh, anh Dương Văn Nam, tổ dân phố 10, phường Mường Thanh, bộc bạch: Tuyến đường trước đây đẹp như vậy, bằng phẳng, kiên cố như vậy mà giờ đây bị “hành hạ” thành 2 vệt song song. Đã thế lại còn chênh nhau. Chỗ thấp, chỗ cao lởm khởm. “Cứ “vá” chồng chất thế, có khi được hệ thống nước thải lại hỏng mất con đường. Rồi đến lúc đó lại có công trình cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sau khi hoàn thành dự án này cũng nên” – anh Nam lo lắng chia sẻ.

Chất lượng thi công có đảm bảo?

Đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư phát triển kinh tế đô thị đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo bàn giao công trình cho đại diện chủ đầu tư đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, tại một số khu vực đã hoàn thiện lắp đặt hệ thống đường ống thoát nước, thu gom xử lý nước thải và san trả mặt bằng, người dân lại không đồng tình với cách làm của đơn vị thi công do chất lượng công trình kém? Ông Phạm Văn Thịnh, tổ dân phố 12, phường Nam Thanh, bức xúc nói: Chả biết khảo sát công trình kiểu gì mà cắt nhầm cả vào nắp đậy hệ thống mương dẫn nước rồi phải cắt lại chỗ khác. Chất lượng trả mặt bằng kém, xi măng ít mà cát thì nhiều. Hoàn thiện từ 8 giờ sáng hôm trước đến 16 giờ chiều hôm sau vữa còn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Dùng tay bới nhẹ thì cát bung ra, có những đoạn còn nứt nẻ. Đấy là chưa kể lớp bê tông trước đây dày từ 12 – 15cm, khi thi công xong công trình lớp bê tông được trả lại chỉ khoảng 10cm hoặc hơn không đáng kể. Còn đối với nhà ông Hoàng Văn Thắng, cùng ở tổ dân phố 12, phường Nam Thanh do ngán ngẩm với cách làm của đơn vị thi công, gia đình ông đã phải tự mua xi măng về làm lại đoạn đường trước nhà.

Được biết, công trình đường bê tông ở tổ dân phố 6, 12, phường Nam Thanh được xây dựng từ năm 2008 với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước đầu tư 60%, người dân đóng góp 40%. Con đường có chiều dài gần 500m nối liền 2 phố giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, khi Dự án Thoát nước và Thu gom xử lý nước thải chạy qua lại gây bức xúc cho người dân sau khi đơn vị thi công hoàn trả mặt bằng không được như mong muốn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Quốc Thành, Chỉ huy trưởng công trình thoát nước và thu gom xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư phát triển kinh tế đô thị - đơn vị thi công, thừa nhận: “Trong quá trình thi công là không thể đảm bảo tính thẩm mỹ, song về chất lượng công trình thì được đảm bảo tuyệt đối”. Khẳng định của ông Thành là thế, tuy nhiên ghi nhận của phóng viên lúc 15 giờ 30 phút ngày 31/3 tại địa điểm công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư phát triển kinh tế đô thị trộn bê tông để san lấp mặt bằng tại tổ dân phố 6, phường Nam Thanh thì nước dùng trộn bê tông được lấy lên từ ruộng lúa đục ngầu, vàng nghịt. Cùng với những phản ánh, búc xúc của người dân, vậy liệu chất lượng thi công công trình thoát nước và thu gom xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ có đảm bảo? Các cơ quan chức năng cần làm rõ để trả lời những bức xúc cho người dân, đảm bảo công trình phát huy hiệu quả!