Đầu tư dàn trải gây nợ đọng ở Tuần Giáo

Thứ Sáu 8:06 08/07/2016

ĐBP - Năm 2015, Tuần Giáo là huyện bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, thiên tai. Để khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Tuần Giáo được cấp gần 37,3 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh cấp 23,7 tỷ đồng, ngân sách huyện 13,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, vượt mức đầu tư, gây nợ đọng. Hiện nay, tổng nguồn vốn nợ đọng của huyện là trên 42 tỷ đồng.

Số tiền 42 tỷ đồng nợ đọng chủ yếu đầu tư cho 27 công trình, dự án sửa chữa, khắc phục sự cố do mưa lũ năm 2015, trong đó: 17 công trình giao thông do Phòng Kinh tế - Hạ tầng làm chủ đầu tư; 8 dự án công trình thủy lợi và nước sinh hoạt do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và 2 dự án kè chống sạt lở do Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư. Tất cả các dự án đều có điểm chung là tổng mức đầu tư thực hiện gấp 3 – 5 lần nguồn vốn được ghi tại Quyết định số 915/QĐ-UBND, ngày 15/11/2015 của UBND huyện Tuần Giáo về việc phân bổ kinh phí cho các công trình khắc phục đảm bảo sau mưa lũ năm 2015. Cá biệt có dự án, tổng mức đầu tư gấp 8 – 9 lần so với vốn cấp. Điển hình là Dự án Sửa chữa công trình thủy lợi bản Mường I, xã Mường Mùn. Theo Quyết định số 915/QĐ-UBND, công trình được giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 600 triệu đồng với mục đích sửa chữa công trình thủy lợi bản Mường I sau mưa lũ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo đã đầu tư xây mới kè chống sạt lở tại bản Mường I, với tổng mức đầu tư 4,923 tỷ đồng, gấp 8 lần tổng vốn được cấp.

Giải thích nguyên nhân vượt tổng mức đầu tư của Dự án Sửa chữa công trình thủy lợi bản Mường I, bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo, cho biết: “Cứ đến mùa mưa, công trình thủy lợi bản Mường I lại bị hư hỏng, gây sạt lở nhiều diện tích ruộng của người dân. Năm nào, Phòng cũng phải ghi vốn để sửa chữa, nâng cấp công trình. Vì thế, sau mùa mưa năm 2015, Phòng đã quyết định đầu tư xây mới kè chống sạt lở tại khu vực này, vừa đảm bảo phục vụ công tác thủy lợi vừa chống ngập, chống sạt lở, bảo vệ đất ruộng cho người dân. Đây là công trình cấp bách nên phải xây dựng ngay. Đối với vấn đề nợ đọng doanh nghiệp thi công, Phòng sẽ bố trí trả nợ trong vòng 2 - 3 năm tới”.

Ngày 22/6/2016, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1775/UBND-NN về việc tăng cường giải pháp để hoàn thành kế hoạch năm 2016 về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới. Trong đó ghi rõ: “Trên cơ sở kinh phí hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, các địa phương chủ động lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp để khắc phục hậu quả thiên tai, tuyệt đối không để xảy ra nợ đọng đối với những công trình được bố trí bằng nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh. Địa phương nào để xảy ra nợ đọng các công trình phải chịu trách nhiệm trước tỉnh và pháp luật”. Như vậy, số tiền 42 tỷ đồng nợ đọng, huyện Tuần Giáo phải tự trả nợ mà không được sử dụng đến nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh.

Về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục thiên tai năm 2015 “vượt định mức”, ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo thừa nhận UBND huyện có khuyết điểm vì để xảy ra nợ đọng và cam kết huyện sẽ bố trí trả hết trong khoảng 3 – 5 năm tới. Theo ông Đức, trong danh mục các dự án, công trình khắc phục thiệt hại do mưa lũ năm 2015 còn một số dự án chưa được triển khai. Thời gian tới, huyện sẽ kiểm tra lại toàn bộ các công trình, dự án này, những dự án nào chưa thật sự cần thiết sẽ tạm dừng. Đối với kế hoạch năm 2016, huyện Tuần Giáo sẽ ngừng đầu tư, xây dựng mới các công trình giao thông và các công trình phục vụ nông nghiệp để bố trí vốn trả nợ đọng năm 2015.

Theo báo cáo của UBND huyện Tuần Giáo, số tiền nợ đọng các công trình chủ yếu là nợ các nhà thầu, doanh nghiệp thi công. Ông Mai Nhị Độ, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng và Thương mại Thái Kiên, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tuần Giáo, cho biết: “Trước khi thi công, doanh nghiệp đã xác định được vấn đề nợ đọng vốn các công trình. Song chúng tôi nhận thức rằng, việc khắc phục các công trình bị thiệt hại do thiên tai gây ra là rất cần thiết để phục vụ phát triển sản xuất và đời sống người dân nên doanh nghiệp chấp nhận cho huyện nợ trong khoảng thời gian nhất định”.

Được biết, năm 2016, nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ thiệt hại thiên tai, mưa lũ của huyện Tuần Giáo có 8 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã hỗ trợ 4 tỷ đồng trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm. Với số kinh phí còn lại, huyện Tuần Giáo sẽ phải rất “căn cơ” trong tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay, đặc biệt là sắp tới cao điểm mùa mưa năm 2016.