Mường Nhé đầu tư xây dựng thủy lợi để mở rộng diện tích lúa nước

Thứ Tư 9:57 03/08/2016
ĐBP - Mường Nhé là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào canh tác ngô, lúa, sắn trên nương. Do canh tác trên đất có độ dốc cao, không sử dụng phân bón, đất sản xuất nhanh bạc màu, nên trên 1 mảnh nương, người dân chỉ sản xuất 2 - 3 vụ, sau đó bỏ hoang, phá rừng làm nương mới. 

Nhằm khắc phục tình trạng phá rừng làm nương, hướng người dân đến canh tác lúa nước bền vững, huyện Mường Nhé đã tập trung nguồn lực phát triển các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho người dân khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước. Đây được xác định là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững tại địa phương. 

 
Công nhân Công ty TNHH Trung Nguyên thi công khu vực đập đầu mối Thủy lợi Tả Ko Khừ, xã Sín Thầu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 52 công trình thủy lợi, đảm bảo năng lực tưới tiêu thực tế cho 980ha lúa ruộng, trong đó diện tích sản xuất lúa 2 vụ là 74ha. Điển hình là các công trình: Thủy lợi Sen Thượng (xã Sen Thượng); Thủy lợi Huổi Thanh (xã Nậm Kè); Thủy lợi Là Ú Tù, Cây Muỗm (xã Chung Chải); Thủy lợi Mường Toong (xã Mường Toong); Thủy lợi Suối Chim, bản Tả Ko Khừ (xã Sín Thầu); Thủy lợi Nậm Là (xã Mường Nhé); Thủy lợi Huổi Trạ (xã Nậm Vì)... đã góp phần quan trọng mở rộng diện tích khai hoang lúa nước trên địa bàn. Khi mới thành lập, huyện có gần 300ha lúa ruộng 1 vụ, tập trung chủ yếu tại 4 xã: Mường Nhé, Mường Toong, Chung Chải, Sín Thầu; đến nay huyện có gần 1.000ha sản xuất lúa nước phân bố tại 11/11 xã. Việc canh tác lúa nước cho sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với canh tác lúa nương và một số cây trồng trên nương khác đã góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác manh mún, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên của người dân. Tiêu biểu cho sự thay đổi này là ở bản Nà Pán, xã Mường Nhé, từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng Thủy lợi Nậm Là, người dân bản Nà Pán không còn phá rừng trái phép làm nương, bởi việc làm này vừa mất nhiều công sức lại vi phạm pháp luật, mà lúa nương cho hiệu quả kinh tế không cao. Nếu như trồng lúa nước cho sản lượng bình quân 40 - 50 tạ/ha/vụ thì lúa nương chỉ đạt khoảng 13 tạ/ha/vụ. Thấy được lợi ích từ canh tác lúa nước, cùng với sự khuyến khích của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự hỗ trợ kinh phí khai hoang của Chính phủ (từ năm 2014 được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha khai hoang, 10 triệu đồng/ha phục hóa), dân bản Nà Pán thi đua khai hoang ruộng nước. Đến nay, bãi tưới của Thủy lợi Nậm Là có tổng diện tích trên 30ha, giúp người dân 2 bản Nà Pán, Nậm Là phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Là một trong những công trình thủy lợi phát huy hiệu quả cao, từ khi đưa vào sử dụng (năm 2014), Thủy lợi Sen Thượng đã giúp người dân trên địa bàn khai hoang, phục hóa trên 40ha ruộng nước. Được sự động viên, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa chiêm xuân của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2016, người dân trên địa bàn cấy lúa chiêm xuân, sản lượng bình quân đạt 45 tạ/ha. Ông Trang Trùy Cà, Trưởng bản Sen Thượng, xã Sen Thượng, cho biết: Với kết quả thử nghiệm khả quan, vụ chiêm xuân năm 2017, người dân trong bản sẽ phấn đấu gieo cấy ít nhất 10ha.

Song song với công tác vận động người dân khai hoang phát triển lúa nước sau đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, UBND huyện Mường Nhé chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình thủy lợi thông qua việc không ngừng nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác sau đầu tư. Hiện nay, 100% công trình thủy lợi trên địa bàn đã được cơ quan chuyên môn huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở thành lập các tổ, đội bảo vệ, quản lý, vận hành.