Sớm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng cà phê Mường Ảng

Thứ Sáu 9:35 19/05/2017
ĐBP - Huyện Mường Ảng có hơn 3.220ha cà phê, trong đó cơ bản là cà phê kinh doanh. Hàng năm, doanh thu từ cây “mũi nhọn” này đã góp phần quan trọng giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, có khoảng 70% diện tích cà phê trồng trên nền đất có độ dốc từ 8 - 30o. Phần lớn diện tích đã trồng không tạo bậc thang, không trồng theo đường đồng mức, không có băng thực vật giữ ẩm, cải tạo đất; việc tưới ẩm phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên và độ ẩm không khí mà không có hệ thống tưới ẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Người dân thị trấn Mường Ảng sơ chế cà phê.

“Trước đây do được giá, nhiều hộ trong xã đổ xô trồng cà phê theo phong trào với mong muốn “đổi đời”, nên trồng ồ ạt, chỉ tập trung mở rộng diện tích chứ chưa chú trọng đến việc trồng cây che bóng cũng như đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để tưới ẩm. Điều kiện thổ nhưỡng dù được đánh giá khá thuận lợi cho cây cà phê phát triển nhưng một vài năm qua diễn biến thời tiết bất thuận, nhất là vào vụ cà phê tập trung trổ hoa, đậu quả gặp khô hạn, thiếu nước cộng với quy trình chăm sóc bón phân chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, khiến năng suất cà phê giảm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm” - Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang cho biết. Khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tạo việc làm, tăng thu nhập và trồng cà phê được xem là hướng đi giúp bà con trên địa bàn xóa đói giảm nghèo. Đến nay, toàn xã đã trồng 493,3ha cà phê; trong đó, hơn 96% diện tích là cà phê kinh doanh. Thực tế cho thấy, các hộ trồng cà phê chủ yếu là hộ nghèo, chi phí đầu tư trồng cà phê khá lớn nên bà con chưa thể đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông cũng như hệ thống thủy lợi. Còn về phía chính quyền địa phương, hàng năm do kinh phí hạn chế nên chỉ mới tập trung vào sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất lúa, trồng màu là chủ yếu chứ chưa đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, hệ thống mương phai phục vụ việc tưới ẩm, chăm sóc cây cà phê. Do điều kiện thời tiết khô hạn, sương giá đúng vào dịp cà phê trỗ hoa, đậu quả cộng với việc người dân thiếu đầu tư chăm sóc nên năng suất toàn xã khá thấp, đạt khoảng 10 tạ cà phê trấu/ha.

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), Điện Biên là vùng đất lý tưởng cho phát triển cà phê chất lượng cao. Nếu canh tác đúng cách, cà phê Điện Biên sẽ là loại ngon nhất thế giới. Khu vực huyện Mường Ảng từ nhiều năm nay là vùng trọng điểm phát triển cây cà phê của tỉnh. Tuy nhiên, do không có hệ thống tưới ẩm cùng với các điều kiện canh tác, chăm sóc bón phân chưa đảm bảo theo quy trình… là những nguyên nhân khiến vườn cà phê nhanh già cỗi, cây phát triển kém, năng suất, chất lượng không cao, đất bị bạc màu. Trước thực trạng đó, đầu năm 2016, huyện đã đề xuất chủ trương đầu tư hệ thống kênh dẫn chính phục vụ tưới vùng cà phê trên địa bàn và cánh đồng lúa các xã: Ẳng Cang, Ẳng Nưa và Ẳng Tở. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng lý giải rõ hơn: Nguồn nước của các sông, suối trong vùng khá dồi dào nhưng phân bố không đều trong năm nên tạo ra hiện tượng thiếu nước trong mùa khô và lũ lụt trong mùa mưa. Vấn đề này gây nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là việc phát triển cây cà phê. Chính vì vậy, nếu được đầu tư hệ thống kênh chính phục vụ dẫn nước với chiều dài khoảng 24,7km theo dự án đề xuất sẽ chủ động và đảm bảo nước tưới cho khoảng 400ha lúa 2 vụ; chủ động nước tưới cho 1.000ha cà phê trên địa bàn trọng điểm vùng trồng cà phê.

Xác định tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng, ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tháng 3/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa Dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng cà phê Mường Ảng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016 - 2020) của Bộ và bố trí kế hoạch vốn để triển khai thực hiện. Dự án này vừa góp phần phát huy hiệu quả đầu tư công trình hồ chứa nước Ẳng Cang đã và đang được đầu tư xây dựng, đồng thời phát triển vùng cà phê Mường Ảng. Tổng mức dự án được đề xuất đầu tư khoảng 80 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước đầu tư 60 tỷ đồng để xây dựng hệ thống tuyến dẫn, bể chứa, giao thông nội đồng, nhà kho và khu sấy cà phê; các hộ dân tự đóng góp 20 tỷ đồng để xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt. Mục tiêu Dự án đặt ra là đảm bảo nước tưới cho khoảng 910ha cà phê tại các vùng trồng cà phê trọng điểm; hỗ trợ người dân đầu tư hệ thống tưới ẩm, chủ động lượng nước tưới, tiết kiệm phân bón… Theo tính toán, dự ước lượng nước và phân bón tiết kiệm được 40% so với các phương thức tưới, bón thông thường, nâng cao năng suất (tăng 15 - 40%), chất lượng cây trồng, hạn chế sự phát triển của sâu bệnh, giúp nông dân tiếp cận được các biện pháp tưới khoa học, nâng cao trình độ thâm canh… Những dự án trên sớm được đầu tư trong thời gian tới sẽ giúp người trồng cà phê chủ động tưới ẩm, chăm sóc, bón phân; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.