Phát triển sản phẩm du lịch Điện Biên

“Phải bán cái thị trường cần…”

Thứ Năm 8:34 12/01/2017
ĐBP - Đó là một trong số không nhiều “nguyên tắc vàng” của Marketing với ý nghĩa đầy đủ: “Phải bán cái thị trường cần, chứ không thể chỉ bán cái mình có”. Bản chất của du lịch trước hết là khám phá, sau đó là trải nghiệm. Thị trường du lịch nào (tức điểm du lịch nào, vùng du lịch nào...) không thỏa mãn hai nhu cầu đó, thì không có cơ hội phát triển. Nói cách khác, nếu điểm du lịch không có cái gì hấp dẫn trí tò mò của du khách, không có cái mới lạ cho khách khám phá, trải nghiệm thì con số tăng trưởng (lượng khách đến, ngày khách lưu lại và số tiền khách chi ra) là không đáng kể...

Thật vậy, ngay ở nhà ta thôi, giả sử bữa nào cũng mâm cao cỗ đầy nhưng loanh quanh chỉ từng ấy món ăn, rượu dù ngon cũng từng ấy loại... thì sau vài bữa ta ngán lên tận... đỉnh đầu. Sẽ là vô cùng đơn điệu, nhàm chán, nếu đến bản nào cũng múa xoè như thế, nhảy sạp như thế, tăng bu tăng bẳng, rồi xôi ngũ sắc, cơm lam, măng đắng, chẩm chéo và thậm chí cả cách uống rượu “khát vọng” cũng như thế luôn. Phải, các “noọng xao” rất duyên dáng và thật ưa nhìn, những dây xà tích bạc lấp lánh bên vòng eo tiêu chuẩn như hút hồn các đấng mày râu. Nhưng dù duyên dáng, ưa nhìn mức nào chăng nữa, dù lấp lánh mức nào chăng nữa mà tới 8 bản vẫn thấy “Tay trong tay đêm nay // Lòng xao xuyến bồi hồi” y chang 8 bản, hỏi rằng còn gì để kích thích khả năng khám phá của du khách nữa đây?

 

 

Du khách tìm hiểu sản phẩm du lịch tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Mường Phăng, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Ảnh: Đức Kiên

Theo một tài liệu chuyên ngành của Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam), cho thấy Điện Biên là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng, phong phú, có thể phát triển nhiều sản phẩm và loại hình du lịch như du lịch lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa với mật độ các di tích dày đặc trong quần thể cụm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, sự đa dạng trong văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa, sự phong phú trong cảnh quan thiên nhiên. Đối với du lịch lịch sử, từ năm 2002 đến nay, thành phố Điện Biên Phủ đã hiện thực hóa chủ trương đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử do Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực khác như du lịch văn hóa, tỉnh Điện Biên đã xây dựng được 8 bản văn hóa du lịch. Riêng đối với du lịch sinh thái, tỉnh đã mở được một số tuyến tham quan, khám phá hang động, hồ, suối khoáng nóng tuy nhiên hiệu quả chưa đáng kể, lượng khách còn ít. Theo Chiến lược Phát triển Du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng được Thủ tướng Chính phủ xác định là 1 trong 47 khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Cùng với đó, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên, khu du lịch hồ và tuyến du lịch trên sông nước thị xã Mường Lay; khu du lịch sinh thái khoáng nóng bản Sáng (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo) là 2 trong 21 dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn đến năm 2020.

Theo ý kiến của các chuyên gia, với tiềm năng và thực trạng nêu trên, ta thấy du lịch Điện Biên có một số điểm mạnh, lợi thế phát triển sau: Tài nguyên du lịch phong phú, phù hợp cho phát triển nhiều loại hình và sản phẩm du lịch khác nhau; hình ảnh, thương hiệu Điện Biên Phủ đã nổi tiếng và được “định vị” đối với cả khách du lịch trong nước và quốc tế; khả năng tiếp cận dễ dàng hơn so với các tỉnh lân cận, khách có thể đến cả bằng đường bộ và đường hàng không; có cửa khẩu quốc tế đường bộ, có khả năng kết nối du lịch với Lào và Trung Quốc. Thêm vào đó, sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong định hướng phát triển du lịch thông qua các nghị quyết chuyên đề, phê duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều tổ chức trong và ngoài nước trong công tác  phát triển du lịch.

 

Khách du lịch tham quan mô hình Bếp Hoàng Cầm tại Đồi A1.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Ngoài các điểm mạnh, lợi thế nêu trên, du lịch Điện Biên vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, chưa phát triển được nhiều sản phẩm mới phù hợp với sở thích của khách du lịch trong và ngoài nước; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, ít doanh nghiệp lữ hành mạnh và doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Mặt khác, công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch đã được quan tâm, đầu tư nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương... Song nhiều người tin rằng với xu hướng phát triển mạnh của khách du lịch nội địa trong nước, khách du lịch nội địa đến Điện Biên trong thời gian tới dự báo sẽ tăng nhanh chóng. Khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách từ một số thị trường truyền thống ở Tây Âu mới được miễn visa như Pháp, Anh, Đức... dự báo đến Việt Nam sẽ tăng nhanh, có tác động tích cực đến sự phát triển của du lịch các tỉnh Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng. Đối với thị trường khách du lịch từ Lào và Trung Quốc, trong thời gian tới với sự phát triển của cơ sở hạ tầng kết nối Điện Biên với các nước này, lượng trao đổi khách giữa hai bên dự báo sẽ tăng lên. Ngoài ra, du lịch Điện Biên còn có khả năng tạo ra các sản phẩm liên kết quốc tế nối Điện Biên với Lào và Đông Bắc Thái Lan, hoặc kết nối các điểm đến của Điện Biên với Trung Quốc cho khách du lịch đến từ các nước thứ ba, thứ tư...

Nằm trong mối liên kết phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc, du lịch Điện Biên nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung đang hình thành thương hiệu du lịch riêng, hình ảnh điểm đến Tây Bắc đang được “định vị” và ngày càng rõ nét trong hình ảnh chung của du lịch Việt Nam. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch Tây Bắc ở cả trong và ngoài nước được triển khai rầm rộ. Do đó, trong thời gian tới, du lịch Điện Biên sẽ được “hưởng lợi” chung trong liên kết phát triển với các địa phương khác trong vùng. Tuy nhiên, sự phát triển chung của vùng cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch giữa các địa phương trong vùng. Sản phẩm du lịch của Điện Biên nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu về mức độ trải nghiệm du lịch, thiếu tính đặc sắc, chất lượng sản phẩm chưa cao, đơn điệu và có sự trùng lắp. Nếu Điện Biên không tập trung và có các giải pháp phát triển đột phá, của riêng mình, thì sẽ dễ bị chính các địa phương trong vùng cạnh tranh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai... Trong thời gian tới, loại hình du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, trải nghiệm các giá trị văn hóa và thiên nhiên vẫn là xu hướng chủ đạo đối với cả khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Điện Biên có đủ điều kiện phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch này, do vậy trong thời gian tới, du lịch Điện Biên cần có các giải pháp đột phá trong việc phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch.

Để du lịch Điện Biên phát triển xứng tầm, rõ ràng chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, dẫu biết rằng, để làm được, chúng ta còn gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói đó là ý chí, là bản lĩnh và nhận thức, là tư tưởng chỉ đạo và khả năng vận động sáng tạo của mỗi ngành, mỗi người. Cao hơn nữa, là thái độ và trách nhiệm của chúng ta trước sứ mạng giữ gìn di tích, di sản. Mới đây, trong nỗ lực thu hút khách du lịch, Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ đã tổ chức thành công dịch vụ “du lịch trải nghiệm” tại di tích lịch sử đồi A1 (TP. Điện Biên Phủ). Bà Vũ Thị Tuyết Nga - Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ - cho biết: Tại đây, du khách sẽ được “sống” trong khung cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, với các hoạt động phục dựng: Chiến sỹ nuôi quân nấu bếp Hoàng Cầm, dân công hỏa tuyến thồ gạo bằng xe đạp ra chiến trường; bữa cơm ven rừng với khoai, sắn, củ mài, rau tàu bay, rau dớn... Đó là một nỗ lực lớn của đơn vị chức năng (Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ) và mong sao đơn vị nhận được nhiều hơn nữa sự cổ vũ, động viên của các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan, các tổ chức và các doanh nghiệp, thông qua hệ thống cơ chế đầu tư về tài chính cũng như con người.

Xin hãy làm du lịch bằng tình yêu, bằng tấm lòng, bằng trách nhiệm thay vì những “lời nói có cánh” nơi chót lưỡi đầu môi...