Du lịch sông nước Mường Lay

Tiềm năng có nhưng khó nhiều bề

Thứ Năm 8:16 19/01/2017
ĐBP - Mùa nước lên, đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đoạn qua thị xã Mường Lay thật thơ mộng. Hai bên bờ là những nếp nhà sàn truyền thống san sát, nối dài, thấp thoáng bóng dáng cô gái Thái cặm cụi đan lát, làm bánh khẩu xén trước hiên. Trên mặt hồ xanh, thuyền chài túc tắc kéo lưới, thả rọ tôm. Khung cảnh bình yên, dễ làm say lòng du khách, là lợi thế để Mường Lay phát triển du lịch sông nước, nhưng đến nay loại hình dịch vụ này vẫn chưa được khai thác.

Từ khi công trình thuỷ điện Sơn La hoàn thành, mực nước lòng hồ sông Đà tại thị xã Mường Lay dâng cao khoảng 213m, diện tích rộng chừng 100ha đã tạo cho Mường Lay một cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn. Trên là núi, dưới là hồ, ven bờ có nhà cửa san sát, hai bên sông lại được nối liền bởi những cây cầu dài, vẽ nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Với cảnh sắc ấy, Mường Lay được giới chuyên môn nhận định có tiềm năng phát triển du lịch sông nước. Du khách đến đây có thể du thuyền, vãn cảnh trên sông nghe những câu chuyện xưa cũ về dòng Đà giang hung dữ, ghé thăm bản làng của đồng bào dân tộc và trải nghiệm câu cá trên sông cùng người dân bản địa.

 

Trên núi, dưới hồ, ven bờ là nhà cửa san sát với những cây cầu nối dài tạo cho Mường Lay sơn thủy hữu tình.

Thực tế, ngoài lợi thế về thiên nhiên, Mường Lay còn nhiều điều kiện thuận lợi khác để phát triển du lịch sông nước. Đặc biệt, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Điện Biên, giai đoạn 2006 - 2020 xác định, thị xã Mường Lay là trung tâm phát triển du lịch khu vực phía Bắc của tỉnh. Trong đó, cụm du lịch thị xã Mường Lay và vùng phụ cận sẽ phát triển theo hướng sinh thái, văn hóa; lấy du lịch sinh thái sông nước làm chủ đạo. Những năm gần đây, Mường Lay cũng đã đầu tư nhiều cho bảo tồn văn hóa truyền thống với các hoạt động: phục dựng lễ hội đua thuyền đuôi én, truyền dạy nghệ thuật đàn tính, dân ca dân tộc Thái, sưu tầm bài hát, điệu múa cổ... Đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân về nghiệp vụ du lịch cộng đồng, chuẩn bị cơ sở vật chất đón khách, sinh hoạt văn hóa phục vụ du khách... nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách.

Tiềm năng lợi thế thấy rõ, định hướng đã được xác định nhưng đến nay, du lịch sông nước ở Mường Lay gần như chưa phát triển bởi chưa có kế hoạch, phương hướng cụ thể và đầu tư xứng tầm. Từ trước đến nay, trên địa bàn thị xã cũng chưa có hoạt động về du lịch sông nước. Một trong những yêu cầu cơ bản nhất của du lịch sông nước là phương tiện di chuyển, cũng chưa có. Ngoài thuyền công vụ của Phòng Quản lý đô thị thị xã thì chưa có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác có thuyền đáp ứng đủ điều kiện chở khách trên sông. Mặc dù cả thị xã có 134 người được cấp chứng chỉ thuyền trưởng hạng 3 (có thể lái thuyền chở người, chở hàng công suất thấp) tuy nhiên dịch vụ cung ứng lại chưa có dù có nhu cầu. Bà Trần Thị Hương Giang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã kể lại: Trong dịp Lễ hội Đua thuyền đuôi én năm 2016, có đoàn khách ở xa đến đặt vấn đề nhờ Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã kết nối dịch vụ du lịch đường sông nhưng sau khi liên hệ với các đơn vị không được, phòng đành cáo lỗi.

Hiện ở Mường Lay có thuyền của gia đình ông Lù Văn Túng, tổ dân phố 3, phường Sông Đà, cải tiến từ thuyền chở hàng, khoang rộng, có mái che, đảm bảo an toàn cho 20 người trở xuống nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan mà không chuyển đổi sang chuyên chở khách được. Vì thuyền của gia đình ông Túng là thuyền tư có công suất lớn nhất thị xã nên nhiều đoàn khách chủ động liên hệ, đặt vấn đề nhưng ông đành từ chối. Riêng trong năm 2016 có gần 10 lời đề nghị từ các đoàn khách ngoại tỉnh và một số hội, nhóm, tập thể trên địa bàn ngỏ ý muốn đi thuyền tham quan Mường Lay, du lịch sông Đà, picnic trên lòng hồ… Trong đó có Công ty Du lịch Thế hệ trẻ tại TP. Hồ Chí Minh chuyên tổ chức tour trải nghiệm Tây Bắc nhiều lần đề nghị ông liên kết đưa đón khách trên sông.

Du lịch đường thủy kết hợp với du lịch cộng đồng, văn hóa là mục tiêu lâu dài mà thị xã Mường Lay hướng tới. Khó khăn hiện tại là lòng hồ Thủy điện Sơn La chỉ tích nước từ tháng 10 đến tháng 3, tháng 4 năm sau, thời điểm này là mùa lạnh, du lịch trên sông không thuận lợi. Hơn nữa, trên địa bàn thị xã chưa có cá nhân, tổ chức nào đầu tư thuyền chở khách, do chi phí đóng tàu lớn và chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ đưa, đón, hướng dẫn khách du lịch. Bà Trần Thị Hương Giang, chia sẻ dự định xin chủ trương xây dựng khu tâm linh Đồi Cao (phường Sông Đà) và khôi phục khu nghỉ mát Pú Vạp (phường Na Lay) để có thêm những điểm dừng chân cho du khách trên tuyến du lịch sông nước, thu hút nhà đầu tư.

Trước đó, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức khảo sát du lịch đường thủy ở thị xã Mường Lay. Ngoài tham quan trong khu vực thị xã, khách du lịch có thể xuất phát đi các tuyến Mường Lay - Tủa Chùa (thăm làng bản của đồng bào dân tộc thiểu số, bến sông Huổi Só, ghé chơi chợ phiên Tả Sìn Thàng) hay chặng Mường Lay - Lai Châu (tham quan Khu di tích Bia Lê Lợi). Văn hóa sông nước đặc sắc của cư dân ven sông cùng cảnh sắc non nước hữu tình với những dãy núi đá xen nhau tạo nhiều hình thù lạ mắt, những ngọn núi cao sừng sững in bóng xuống mặt nước trong xanh, phẳng lặng là lợi thể để các tuyến đường sông này thu hút du khách. Hiện tại, Trung tâm đang thiết kế mẫu tờ rơi về du lịch Mường Lay, trong đó điểm nhấn là giới thiệu về sông nước Mường Lay. Dự kiến sẽ in ấn, sử dụng trong đầu năm 2017 để phục vụ các hoạt động xúc tiến du lịch, các sự kiện văn hóa, thể thao - du lịch của tỉnh. Có nhiều nỗ lực đang được thực hiện nhưng cần và quan trọng lúc này là định hướng phát triển cụ thể, rõ ràng và một nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực du lịch đường thủy, không chỉ để đáp ứng nhu cầu tham quan hiện tại của một số đoàn khách và công ty du lịch, mà còn để có thêm nhiều người biết đến Mường Lay với những trải nghiệm sông nước. Từ đó sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ phụ trợ khác và có thêm nhiều cá nhân, tổ chức chủ động học hỏi, mạnh dạn đầu tư để khai thác tiềm năng du lịch này.