“Đánh thức” vai trò hạt nhân văn nghệ

Thứ Năm 9:16 20/04/2017
ĐBP - Thực hiện Quyết định số 1889/QĐ - UB, ngày 6/11/2003 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tổ chức xây dựng bản văn hóa dân tộc để phục vụ du khách tham quan… tỉnh ta đã xây dựng 8 bản văn hóa du lịch dân tộc gồm: Phiêng Lơi, Him Lam II, Noong Bua, Co Mỵ, bản Ten, bản Mển… 

Phát huy và kế thừa những di sản văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất, bà con ở các bản đa phần hiểu rõ ý nghĩa của việc phát triển du lịch văn hóa bản gắn với phát triển kinh tế - xã hội; từ đó, nhiều gia đình dân tộc thiểu số đã chủ động và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động, đặc biệt là tham gia văn hóa, văn nghệ, phục dựng lại một số lễ hội truyền thống để đón và phục vụ khách du lịch. Nhiều năm trở lại đây, các bản văn hóa đã “tự thân vận động” học hỏi và thành lập đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” để phục vụ du khách.

 
Những ngày diễn ra Lễ hội Hoa ban 2017, hòa chung không khí náo nức của ngày hội, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước chọn bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) là điểm đến lý tưởng để trải nghiệm. Anh Nguyễn Xuân Quang, du khách đến từ Hải Dương, chia sẻ: Đến với Điện Biên khá nhiều lần, nhưng lần nào tôi và người thân cũng chọn các bản văn hóa du lịch, để được khám phá những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đến đây, không chỉ được thưởng thức nhiều ca khúc, điệu nhạc dân tộc mà còn đắm chìm trong điệu xòe truyền thống của đồng bào; trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực đặc sắc.

 

Thành viên đội văn nghệ bản Him Lam 2, chuẩn bị đạo cụ cho các tiết mục văn nghệ, phục vụ khách du lịch.

Anh Quàng Văn Thảo, Bí thư Chi bộ bản Mển, Trưởng ban Quản lý du lịch cộng đồng, chia sẻ: Để níu chân và thu hút du khách, ngoài đón tiếp niềm nở, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, không thể thiếu những món ăn tinh thần… Chính quyền bản đã xây dựng và duy trì bản văn hóa du lịch cộng đồng với nhiều loại hình hấp dẫn du khách; trong đó, hấp dẫn du khách hơn cả đó là việc thưởng thức và hòa mình vào những màn múa hát Thái đặc sắc… Đội văn nghệ bản gồm 17 thành viên, chủ yếu là chị em có năng khiếu về ca hát; tranh thủ lúc nông nhàn, tham gia luyện tập và biểu diễn phục vụ khách du lịch. Mỗi lần tham gia biểu diễn, chị em thu nhập thêm từ 60 - 70 nghìn đồng/tối. Tuy nhiên, hiện nay cơ bản chị em đã nhiều tuổi (35 - 40 tuổi) nên việc luyện tập các tiết mục mới, hấp dẫn khách du lịch đã dần hạn chế. Do đó, để kế thừa và phát huy giá trị văn hóa, bản đã tổ chức xây dựng và thành lập đội văn nghệ với 10 thành viên trẻ, yêu thích ca hát, nhạc dân tộc để luyện tập những ca khúc mới, sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách khi có nhu cầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 bản văn hóa (8 bản cấp tỉnh, 2 bản văn hóa cấp huyện); 8 đội văn nghệ bản được lựa chọn phục vụ và đón khách du lịch. Những năm gần đây, với sự phát triển vượt trội của ngành công nghiệp “không khói” tỉnh ta đã và đang xác định việc phát triển các bản văn hóa du lịch cộng đồng là loại hình du lịch lâu dài cần được phát huy và bảo tồn. Trong đó, việc duy trì và phát huy thế mạnh từ những “hạt nhân” văn nghệ bản, góp phần quảng bá nét văn hóa đất Mường Trời đến gần hơn với du khách là việc làm cần thiết, đặc biệt là trong mùa lễ hội, hoạt động chung do tỉnh tổ chức. Theo thống kê, hiện nay mỗi năm các bản du lịch đón gần 25.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm, tạo tiền đề vững chắc cho du lịch Điện Biên phát triển, hội nhập với nền kinh tế của các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía bắc.

Tuy nhiên, việc phát huy các đội văn nghệ bản đi cùng với cơ hội là thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý và làm du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Năm, hiện nay các đội văn nghệ bản chỉ có ở dân tộc Thái, chưa tạo cho du khách có sự lựa chọn. Việc sử dụng nhạc cụ truyền thống chưa được phát huy hết tiềm năng vốn có. Hiện nay một số bản du lịch, các đội văn nghệ đã dần du nhập âm nhạc hiện đại; đa phần, đội văn nghệ có nét tương đồng về hình thức biểu diễn, trang phục thương mại hóa chưa phản ánh trung thực bản sắc địa phương… nên mất đi vẻ đẹp riêng của dân tộc. Đặc biệt, việc thu hút, khơi gợi lớp trẻ tham gia vào các đội văn nghệ còn rất hạn chế, chưa có tính kế thừa và đảm bảo đội văn nghệ được duy trì và phát triển ổn định; du khách đến với các bản văn hóa du lịch mới chỉ dừng lại ở việc thưởng thức, lắng nghe chứ chưa thực sự được hòa mình vào không gian trải nghiệm...

Có thể thấy rằng, việc duy trì và bảo tồn các bản văn hóa du lịch, đặc biệt là đưa lời ca, tiếng hát truyền thống đến gần hơn với du khách là việc làm đúng đắn của ngành du lịch tỉnh ta, góp phần thu hút và tạo tiền đề vững chắc sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để bảo tồn và phát huy hết tiềm năng giá trị văn hóa tinh thần đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Mường trời, ngành du lịch tỉnh ta cần có quy hoạch đồng bộ, tập trung, trước nhất là “đánh thức” vai trò, trách nhiệm và sự đồng thuận từ phía người dân trong việc phát triển toàn diện du lịch.