Ðịnh hướng cho du lịch Ðiện Biên

Thứ Tư 8:00 29/08/2018
ĐBP - Ðiện Biên đặt mục tiêu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thực hiện tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại trên cơ sở khai thác phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng đồng bộ với tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch. Ðể thực hiện điều đó, các cấp, ngành, đơn vị trong ngành Du lịch đã và đang có hướng đi đúng trong phát triển du lịch, thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Buổi tổng duyệt chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2018.

Nghị quyết số 03/NQ - TU, ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ rõ quan điểm phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, dựa trên 3 trụ cột chính, đó là du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, gắn phát triển du lịch với chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ðồng thời, tạo buớc đột phá cả về phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch nhưng vẫn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các giá trị văn hóa lịch sử… Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, đơn vị làm du lịch của tỉnh tập trung đưa ngành “công nghiệp không khói” này từng bước phát triển. Hiện nay, giá trị lịch sử của quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ và nét văn hóa đặc trưng của 19 dân tộc anh em của tỉnh đang được khai thác, từng bước phát huy hiệu quả phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, điểm nhấn đặc biệt chính là Lễ hội Hoa Ban được tổ chức vào trung tuần tháng 3 hàng năm. Lễ hội xây dựng giá trị di sản truyền thống quý báu của 19 dân tộc anh em trong tỉnh thành bức tranh văn hóa rực rỡ sắc màu để giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách trong, ngoài nước. Các sản phẩm du lịch trong mùa lễ hội cũng luôn được thay đổi theo từng năm nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa các dân tộc Ðiện Biên. Cùng với Lễ hội Hoa Ban, nhiều lễ hội như: Lễ hội Thành bản Phủ, Ðua thuyền đuôi én Mường Lay… hay Sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang được tổ chức cũng là hướng phát triển để thu hút du khách đến với Ðiện Biên. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã và đang được làm mới theo xu hướng phát triển chung của ngành dịch vụ du lịch. Có thể kể đến các bản văn hóa trên địa bàn huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ, như: Bản Mển, Him Lam 2, Noong Chứn, Phiêng Lơi... đổi mới trong chế biến, trình bày ẩm thực, phong cách phục vụ, tiếp đón du khách. Khu homestay, khu chợ phiên vùng cao cũng đang được đầu tư xây dựng góp phần làm phong phú thêm sản phẩm tại các điểm du lịch, là điểm đến thu hút du khách sau khi đã tham quan các di tích trên địa bàn. Việc liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh trong khu vực Tây Bắc mở rộng bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Các địa phương đã liên kết chặt chẽ, toàn diện trên các mặt và từng bước hình thành chuỗi sản phẩm du lịch. Một số sản phẩm du lịch đã trở thành “thương hiệu” của tỉnh và khu vực, tạo sợi dây liên kết bền vững giữa các địa phương, thu hút không nhỏ lượng du khách trong và ngoài nước. Nhờ có hướng đi đúng, du lịch Ðiện Biên đã có những bước phát triển vượt bậc. Lượng du khách đến Ðiện Biên trong năm 2017 tăng 25% so với năm 2016, trong 6 tháng đầu năm ước đạt 490 nghìn lượt khách, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2017; tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 643,7 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Bám sát tinh thần Nghị quyết số 03/NQ - TU, Chương trình phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh tiếp tục định hướng đi cụ thể cho ngành Du lịch. Theo đó, các cấp, ngành, đơn vị tập trung xây dựng Khu du lịch Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang đạt tiêu chí trở thành khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch vùng Tây Bắc vào năm 2025. Ðồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với cụm, khu, điểm du lịch; đầu tư xây dựng các bản văn hóa du lịch có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của khách du lịch; quy hoạch và mở rộng diện tích trồng, chăm sóc, bảo vệ cây hoa ban tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các tuyến phố, tuyến đường… Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài, nhất là đối với sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành du lịch; hình thành đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng… Ðể phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tỉnh huy động và lồng ghép các nguồn lực đầu tư để thực hiện trùng tu, tôn tạo, trọng tâm là phục dựng nguyên trạng di tích gốc và phát huy giá trị một số điểm di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ, trọng điểm là Khu Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, Trung tâm tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, Ðồi A1, Trung tâm đề kháng Him Lam... Thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ các khu, điểm du lịch. Một nội dung quan trọng khác là phối hợp thực hiện nâng cấp, mở rộng, phấn đấu đưa Cảng Hàng không Ðiện Biên Phủ thành Cảng hàng không quốc tế, mở các đường bay mới trong nước và quốc tế để khai thác thị trường khách du lịch trọng điểm tại các tỉnh, thành phố trong nước và các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan.