Du lịch cộng đồng:

Nhìn từ Lao Chải 1

Thứ Bảy 8:08 04/05/2019
ĐBP - Trong chuyến công tác tới Lai Châu, chúng tôi được đồng nghiệp nơi đây dẫn tới bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Ðường. Ghé Lao Chải 1 không nhiều thời gian nhưng đủ để chúng tôi thấy được cách làm du lịch của người dân nơi này. Họ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biến những thứ bình dị gắn liền với cuộc sống hàng ngày trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc...

 

Mỗi gia đình trong bản Lao Chải 1 đều tự tay trang trí cổng nhà mình bằng các vật liệu từ tự nhiên như tre, gỗ, thông... rất sáng tạo. Ảnh: Gia Huy

Bản Lao Chải 1 nằm cách trung tâm TP. Lai Châu hơn 20km. Ðể đến được đây, ngoài đi trên tỉnh lộ 136, chúng tôi còn phải vượt qua một đoạn đường cấp phối, đường bê tông với những con dốc cua ngược tức ngực. Quãng đường di chuyển hơi xa nhưng bù lại cảnh vật hai bên đường, kể cả với “dân miền núi” như chúng tôi cũng cảm thấy hấp dẫn. Từ những nương chè xanh mát mắt, đến thửa ruộng bậc thang ở lưng chừng núi, những tảng đá bên đường cũng khiến chúng tôi trầm trồ, thảo luận không ngớt. Con đường bê tông quanh co cuối cùng cũng dẫn chúng tôi tới một bãi đỗ xe bằng phẳng, gọn gàng và tương đối rộng rãi, có thể chứa được hàng chục xe khách lớn cùng lúc. Chỉ chi tiết nhỏ này thôi cũng là điểm cộng của những người làm du lịch nơi đây. Thêm một điểm cộng nữa là đường vào bản và các tuyến đường nội bản đều được trải bê tông phẳng lì giúp cho đôi chân háo hức của du khách tiến vào thuận lợi. Mới vào bản, chúng tôi thấy đầu tiên là chiếc “cầu đá tình yêu”, nghe nói là nơi hẹn hò của trai gái cũng được người dân thiết kế lại thành cổng chào, tiếp đón du khách gần xa. Kế đó là một gian trưng bày các dụng cụ lao động, đồ dùng hàng ngày được phỏng chế lại để phục vụ du khách chụp hình lưu niệm, như: Dao thái cỏ, cối giã gạo, xay ngô, súng kíp, khèn Mông... Ðiều khiến chúng tôi thích thú là mỗi hộ dân trong bản đều tự tay thiết kế, sáng tạo nên chiếc cổng nhà mình theo một phong cách riêng. Nhà thì dùng quả thông, hạt quả rừng xâu chuỗi lại, nhà khác lại tận dụng ống tre, nứa... tạo nên những sản phẩm thủ công độc đáo, không nhà nào “đụng hàng” với nhà nào. Ðó là chưa kể người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách. Chúng tôi có thể thoải mái đi vào những ngôi nhà trong bản để tham quan, chuyện trò và chụp hình lưu niệm với chủ nhà mà không e ngại điều gì. Sau khi dạo một vòng quanh bản, điều để lại ấn tượng nhất với chúng tôi là người dân nơi đây trồng rất nhiều hoa, đặc biệt là địa lan. Bà con trong bản còn dành ra những khoảng đất nhỏ dựng nên các chòi, lán nhỏ để du khách nghỉ chân giữa chặng hành trình. Những sản phẩm du lịch mà người dân Lao Chải 1 cung cấp cho du khách không phải là những thứ xa lạ với đời sống thường ngày. Vẫn là cây hoa, ống tre, nứa, quả thông... nhưng với tư duy nhạy bén, sáng tạo cùng cách làm độc đáo, người dân Lao Chải 1 đã mang tới cho du khách những trải nghiệm khác biệt.

Ði cùng đoàn chúng tôi là đồng nghiệp ở Báo Lai Châu đã có thời gian tìm hiểu và nắm khá tường tận về bản Lao Chải 1. Qua những chia sẻ của chị, chúng tôi nắm được phần nào về quá trình người dân nơi đây làm du lịch cộng đồng. Trước tiên phải nói rằng, bản Lao Chải 1 không nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Lai Châu. Nhưng hơn 3 năm trước, chính những người dân nơi đây lại nảy ra ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng từ những thứ thân thuộc hàng ngày. Ðể có được sự đồng thuận của người dân, những người đóng vai trò nòng cốt trong bản phải xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với giá trị truyền thống, nếp sống mới mà người dân trong bản quy ước. Trong thực tế, chúng tôi thấy rằng dựa vào văn hóa truyền thống dân tộc mình, người dân nơi đây đã và đang làm rất tốt việc xây dựng, bố trí lại cảnh sắc của bản theo hướng thân thiện với môi trường - điều mà du khách, nhất là du khách nước ngoài mong muốn được trải nghiệm. Thêm nữa, các nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông nơi đây được gìn giữ nguyên bản. Cộng thêm sự tài tình, khéo léo phát huy tối đa các lợi thế sẵn có của địa phương để làm những nét ấy trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn, tạo sức hút với du khách gần xa. Ví dụ như tận dụng lợi thế trong bản có nhiều địa lan, người dân nhân rộng, tạo lại cảnh quan bằng giá đỡ, chậu trồng, rải khắp các tuyến đường trong bản. Ngoài ra, phụ nữ trong bản còn nhận trồng, chăm sóc các loại hoa hồng, cúc, ngũ sắc... Vật nuôi, gia súc, gia cầm được nuôi nhốt tại khu vực riêng, không thả rông, không phóng uế bừa bãi, đảm bảo vệ sinh môi trường... Từ một bản đói nghèo, khó khăn, Lao Chải 1 thay da đổi thịt, trở nên xinh đẹp và rực rỡ với cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Nhờ đó, Lao Chải 1 bỗng nhiên trở thành một cái tên mới nổi trong tỉnh Lai Châu về du lịch cộng đồng, nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành và du khách gần xa. Chỉ tính từ đầu năm đến nay bản Lao Chải 1 đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng cảnh sắc, tìm hiểu văn hóa truyền thống và có cả người dân các bản, cán bộ, ngành ở địa phương khác đến trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng vào khu dân cư, triển khai các mô hình tại địa phương mình. Hôm chúng tôi tới, người dân Lao Chải 1 đang gấp rút hoàn thiện nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ hoạt động chung của bản và du khách. Trong thời gian tới, bản Lao Chải 1 sẽ tiếp tục đầu tư tôn tạo, mở thêm các dịch vụ lưu trú để phục vụ du khách đến trải nghiệm.

Nhìn một cách tổng quát, bản Lao Chải 1 không có quá nhiều những thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng như nhiều địa phương khác. Nhưng dẫu có thuận lợi mà không biết cách khai thác hiệu quả thì tiềm năng cũng chỉ dừng lại tiềm năng. Ðiều tạo nên bước chuyển mình cho Lao Chải 1 trước hết là sự thay đổi tư duy phát triển kinh tế, ý thức về gìn giữ và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống, tạo nên sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư nơi đây. Theo chúng tôi nghĩ, với người dân Lao Chải 1 vẫn còn nhiều việc họ cần phải làm để du lịch thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, mang về no ấm cho mảnh đất này. Nhưng bước đầu, sự thay đổi về tư duy đó có thể coi là thành công với họ và cũng là tấm gương về phát triển du lịch cộng đồng để các địa phương khác noi theo.