Du lịch học đường: Thị trường tiềm năng

Thứ Tư 15:13 16/09/2020

Trước đây, du lịch học đường không thực sự là “mảng” hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lữ hành bởi lợi nhuận thấp, tính trách nhiệm cao. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải quay lại với thị trường này như một lối mở để vượt qua khó khăn. Nhưng để phát triển du lịch học đường, điều cần nhất vẫn là tính chuyên nghiệp.

Trải nghiệm làm nông nghiệp tại Không gian sáng tạo Nhà Diều (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa) - Ảnh chụp năm 2019.

Tiềm năng lớn

Với lợi thế về bề dày văn hóa - lịch sử cùng tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch học đường. Loại hình du lịch này giúp học sinh tiếp cận bài học từ thực tế một cách dễ dàng, đồng thời gợi sự hứng thú, say mê nghiên cứu và học tập cho các em.

Tùy theo từng độ tuổi, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour tham quan phù hợp với chương trình học và khả năng tiếp nhận của học sinh. Với lứa tuổi mẫu giáo, nhiều trường chọn các điểm tham quan gần, có độ an toàn cao như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền Ngọc Sơn, công viên Thủ Lệ hay xa hơn là làng gốm Bát Tràng...

Với học sinh phổ thông, các trường thường lựa chọn mô hình trang trại giáo dục như Erahouse (quận Long Biên), Vạn An (huyện Thanh Trì), Cánh buồm Xanh (huyện Gia Lâm), Dê Trắng và Đồng Quê (huyện Ba Vì)... Tại các trang trại giáo dục này, học sinh được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống nông nghiệp, trải nghiệm các công đoạn sản xuất nghề thủ công truyền thống hay tham gia trò chơi dân gian nhằm tăng cường vận động, bồi dưỡng kỹ năng sống, gia tăng khả năng làm việc nhóm...

Ngoài ra, nhiều trường cũng chọn tour tham quan, học tập tại các bảo tàng, di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa hay Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam... nhằm giúp các em tiếp cận và tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa. Em Minh Đăng, học sinh lớp 4A2, Trường Tiểu học Vietkids (quận Đống Đa) cho biết: “Năm nào nhà trường cũng tổ chức cho chúng em đi tham quan. Chúng em rất háo hức chờ đợi các chuyến đi này bởi vừa được vui chơi giải trí, vừa được học thêm kiến thức bổ ích...”.

Bà Nguyễn Thu Thùy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mầm non B (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trong đó có tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn Hà Nội không chỉ tạo cơ hội cho học sinh được tham quan, trải nghiệm mà còn giúp các em thêm hiểu và tự hào về thành phố nơi mình sinh sống ngay từ khi còn nhỏ”.

Cần sự chuyên nghiệp

Những năm qua, hoạt động du lịch học đường tuy phát triển về số lượng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển du lịch Nụ cười mới cho rằng: “Việc tổ chức tour học đường luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thương tích do trẻ em chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình, trong khi lợi nhuận không cao mà công tác tổ chức lại vất vả. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp lữ hành không mặn mà với du lịch học đường, còn các trường học không có được sự lựa chọn tốt nhất”.

Tuy nhiên, từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch inbound (đón khách quốc tế), outbound (đưa khách ra nước ngoài) bị tê liệt hoàn toàn khiến nhiều doanh nghiệp từng thờ ơ với du lịch học đường nay phải tìm cách tiến vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, “miếng bánh” du lịch học đường vốn đã nhỏ lại càng khó cho các doanh nghiệp đến sau, bởi không dễ chen chân khi các trường đều đã có đối tác. Bởi vậy, doanh nghiệp chỉ còn cách khẳng định mình bằng uy tín, chất lượng sản phẩm và sự chuyên nghiệp.

Ông Hồ Xuân Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội (Hanotours) chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hanotours đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, hướng tới đối tượng khách nội địa và phát triển các tour dành cho học sinh. Mặc dù xuất phát chậm nhưng Hanotours tự tin với các sản phẩm có giá cạnh tranh, điểm đến mới lạ và những chương trình trải nghiệm hấp dẫn. Trong thời gian này, Hanotours cũng tập trung đào tạo nhân sự, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao quy trình quản lý chất lượng, tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động của công ty nhằm phục vụ khách hàng ngày một chuyên nghiệp hơn”.

Đồng quan điểm, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch học đường, cần có sự phối hợp giữa các ngành Giáo dục và Du lịch để có chiến lược phát triển bài bản với những sản phẩm du lịch giáo dục chuyên nghiệp, có chiều sâu. Xu hướng này sẽ ngày càng phát triển, góp phần tạo ra một thế hệ du khách đi du lịch có trách nhiệm trong tương lai...”.