Đào tạo nguồn nhân lực du lịch sát thực tiễn

Thứ Hai 10:53 21/12/2020

ĐBP - Có mặt tại Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Homestay ở Homestay Mường Then, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) dành cho nhân viên, quản lý tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch Việt Nam) tổ chức vừa qua, chúng tôi bị hấp dẫn bởi cách truyền đạt, giảng dạy chuyên nghiệp từ các chuyên gia và ấn tượng bởi sự nghiêm túc học tập, hào hứng của mỗi người làm nghề có mặt nơi đây. Dù hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhưng mỗi người đến từ một cơ sở khác nhau, vị trí việc làm không giống nhau song đều tựu trung một tâm thế muốn được tiếp thu, nâng cao kiến thức để làm nghề, gắn bó với nghề.

Các học viên trò chuyện, trao đổi kiến thức tại khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ Homestay.

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Homestay được tổ chức nhằm giúp các nhân viên, quản lý tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh học hỏi, trao đổi và trải nghiệm thực tế về nghiệp vụ, kỹ năng buồng, bàn, bếp; chế biến các món ăn phục vụ khách lưu trú; phục vụ khách lưu trú… Lớp bồi dưỡng này vô cùng ý nghĩa với người học cũng như với các cơ sở kinh doanh du lịch ở Điện Biên. Bởi thông qua lớp bồi dưỡng sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm du lịch homestay và du lịch cộng đồng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cơ sở lưu trú du lịch và nâng cao giá trị hình ảnh của du lịch tỉnh Điện Biên trong thời gian tới. Chị Lò Thị Nhung, học viên đến từ bản Uva, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) tham gia lớp bồi dưỡng cho biết: Bản du lịch văn hóa U Va là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Thái. Nhiều năm qua đều có khách du lịch tới tham quan, thưởng lãm. Với tấm chân tình của người bản địa, khi khách du lịch ghé thăm bà con nhiệt tình giới thiệu văn hóa, văn nghệ và ẩm thực dân tộc. Tuy nhiên mới làm bằng kinh nghiệm là chính chứ chưa được tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng về hoạt động này theo cách chuyên nghiệp. Với mong muốn nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng phục vụ du lịch, tôi cùng 6 người trong bản đại diện cho các hộ làm du lịch ở U Va tham gia khóa học. Có kiến thức sau khi học, chúng tôi sẽ truyền đạt tới các hộ khác trong bản để cùng phục vụ khách du lịch tốt hơn; khai thác được tiềm năng du lịch của bản. Chia sẻ cảm xúc với chúng tôi, chị Nhung cho biết: Tôi rất phấn khởi vì được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ này, sau khi học tôi nắm được những kiến thức về quy trình đón tiếp và phục vụ du khách; kỹ năng phục vụ bàn tiệc, phòng riêng và chăm sóc khách hàng; giao tiếp bộ phận buồng và xử lý các tình huống... Cùng với nội dung giảng dạy về lý thuyết, tôi còn được hướng dẫn thực hành trực tiếp xử lý các tình huống thường gặp.

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ bếp là học phần khá đặc biệt với những học viên của lớp học. Nói như vậy là bởi dù là công việc thường ngày trong mỗi gia đình nhưng bộ phận bếp trong cơ sở kinh doanh lưu trú có vai trò rất quan trọng. Bởi học viên được trang bị kiến thức phục vụ khách, tay nghề chế biến và trình bày một số món ăn gắn với đặc sản của địa phương, như: nộm măng xá xíu, cá tầm nướng, canh cá tầm nấu chua, bò tái me… Anh Lò Văn Yên, nhân viên tại Homestay Mường Then cho biết: Tham gia lớp tập huấn, tôi thấy kiến thức mang lại vô cùng bổ ích, khi vận dụng sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Khi chưa được tấp huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu cho du khách về những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của dân tộc theo bản năng, giản đơn, nhưng sau khi được đào tạo, tôi và các nhân viên tại Homestay Mường Then sẽ chủ động, linh hoạt hơn trong phục vụ. Ngoài những món ăn truyền thống, món ăn dân tộc, nếu du khách muốn thay đổi món ăn theo sở thích chúng tôi cũng sẵn sàng phục vụ cả những món ăn Á - Âu…

Chị Quàng Thị Dung, Quản lý Homestay Mường Then cho biết: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong hoạt động dịch vụ du lịch, chúng tôi xác định chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu hàng đầu để phát triển. Do đó, cùng với yêu cầu từ khi tuyển chọn nhân viên, chúng tôi luôn mong muốn nhân viên được tham gia các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, cũng như tình hình phát triển dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh. Mong rằng, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức thêm nhiều lớp nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ du lịch hơn cho những người làm du lịch để chúng tôi có thêm cơ hội để học hỏi, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Có thể thấy rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực theo hướng bám sát thực tiễn ngày càng được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Du lịch đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch thì lực lượng nhân lực trong ngành cũng cần tích cực cập nhật, trau dồi kỹ năng làm việc, như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của du lịch cộng đồng, thúc đẩy du lịch Điện Biên phát triển.

 

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có khoảng 6.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó khoảng 2.500 lao động trực tiếp và 3.500 lao động gián tiếp. Đa phần trong số đó là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn hoạt động và phục vụ theo thói quen, kinh nghiệm.