Ðổi mới, sáng tạo phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên chất lượng, hiệu quả

Thứ Ba 11:52 26/01/2021

ĐBP - Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn”; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác. Ðó là một định hướng, chủ trương đúng đắn và quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài của tỉnh. Vì sao vậy?

Một trích đoạn trong bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Văn Thành Chương

Ðiện Biên là một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, có đường biên giới quốc gia dài tiếp giáp một số tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Từ sau khi chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành hai tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu (tháng 1/2004), Ðiện Biên vừa có thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Tiềm năng kinh tế phong phú nhưng quy mô nhỏ, phân tán - khó có thể tạo vùng sản xuất lớn, tập trung nhất là trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp (trừ cánh đồng lòng chảo huyện Ðiện Biên). Vì vậy, phát triển du lịch Ðiện Biên thành ngành kinh tế, dịch vụ tổng hợp, tác động sâu sắc đến sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và mở rộng hợp tác đối ngoại của tỉnh. Du lịch không chỉ là kinh tế mà còn là kênh giao lưu trong nước và quốc tế. Thông qua du lịch mà thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa. Du lịch cần lấy người dân làm trung tâm, tạo mọi điều kiện để người dân tham gia phát triển du lịch, cải thiện đời sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, bảo vệ đất nước.

Tiềm năng du lịch Ðiện Biên khá phong phú. Hiện nay tỉnh có trên 57 vạn dân, 19 dân tộc anh em; quần thể di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ với các trọng điểm: A1, C1, C2, D, E, Sở Chỉ huy Chiến dịch, hầm Ðờ-cát, các nghĩa trang, sân bay, trận địa, hầm hào… Di tích ở các huyện, thị xã, thành phố như: Ðồi Cao (TX. Mường Lay), tháp Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông), đền Hoàng Công Chất (huyện Ðiện Biên), quê hương Vừ A Dính (huyện Tuần Giáo)… cùng nét văn hóa phong phú, tinh tế của 19 dân tộc bao gồm cả văn hóa vật thể, phi vật thể đã tạo cho Ðiện Biên tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cả về lịch sử và văn hóa. Du lịch sinh thái với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống hồ, đập, hang động, những cánh đồng, rừng tự nhiên, cây công nghiệp…

Trong những năm qua được Ðảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, đầu tư, sự cố gắng của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc, du lịch Ðiện Biên được đầu tư và bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng: Ðã tập trung đầu tư trùng tu khu di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ ở huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Tuần Giáo…. Ðầu tư xây dựng văn hóa vật thể, phi vật thể, xây dựng một số danh lam, hang động, cánh đồng Mường Thanh… Huy động nhiều nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước, hạ tầng văn hóa - xã hội, nhà hàng khách sạn, một số điểm vui chơi, giải trí; phát triển thương mại dịch vụ… Ðội ngũ quản lý, hướng dẫn du lịch được đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mấy năm qua, lượng khách du lịch, nguồn thu du lịch, đời sống nhân dân được nâng lên. Du lịch đã tác động tích cực đến phát triển và quảng bá về đất nước, con người, truyền thống cách mạng, lịch sử Ðiện Biên đến các địa phương trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, du lịch Ðiện Biên còn nhiều mặt hạn chế từ nhận thức đến tổ chức thực hiện. Dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đầu tư thiếu đồng bộ, chất lượng thấp. Tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng - khả năng cạnh tranh còn hạn chế vì ít có sự đổi mới. Môi trường tự nhiên, xã hội chưa được quan tâm, bảo vệ, xây dựng, phát triển; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, dịch vụ phục vụ du lịch thiếu đồng bộ, chưa hấp dẫn; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cơ sở vật chất nhiều mặt hạn chế; công tác quản lý, cán bộ làm du lịch chưa thật chuyên nghiệp, chất lượng thấp. Kết quả phát triển du lịch và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn cùng những chủ trương, chính sách phát triển du lịch sẽ là điều kiện định hướng để Ðiện Biên đẩy mạnh phát triển du lịch. Ðiện Biên đã và đang triển khai mở rộng, nâng cấp sân bay, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác đối ngoại… để phát triển ổn định, bền vững.

Trong thời gian tới, để đưa du lịch Ðiện Biên phát triển theo hướng đổi mới - sáng tạo - nâng cao chất lượng, hiệu quả cần quan tâm làm tốt một số nội dung sau đây:

Tạo sự chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ về phát triển du lịch Ðiện Biên, phải xác định phát triển du lịch là một thế mạnh, là một yêu cầu quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện. Phải nhận rõ vị trí, nhiệm vụ, tiềm năng du lịch Ðiện Biên trong mối quan hệ với phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Mọi sự phát triển đều gắn với du lịch, phục vụ du lịch phát triển.

Phải thực hiện xã hội hóa trong việc huy động các nguồn vốn thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động, phát triển du lịch, đầu tư, rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết. Việc đầu tư các sản phẩm du lịch không chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước. Thông qua quản lý Nhà nước để kêu gọi đầu tư với chính sách ưu đãi hợp lý. Ðầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, các dịch vụ phục vụ du lịch chất lượng cao. Khách đến Ðiện Biên sẽ xem gì, ăn uống gì, mua hàng hóa gì, để kỉ niệm và hẹn trở lại Ðiện Biên.

Cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch: Lịch sử, văn hóa, sinh thái… với sự liên kết các điểm du lịch trong tỉnh với các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La. Xây dựng tour du lịch vùng, liên kết hợp tác với các nước: Lào, Trung Quốc, Thái Lan… và các tổ chức du lịch khác. Thông qua du lịch để quảng bá, bảo tồn, hợp tác, phát triển toàn diện.

Phải xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, là mũi nhọn trong phát triển, vì vậy phải đặt mối quan hệ hài hòa với các lĩnh vực phát triển khác. Cần phải thực hiện tốt bảo vệ môi trường về an ninh, tự nhiên - xã hội, môi trường thông tin, văn hóa văn minh, quan hệ thân thiện, thu hút với nhà đầu tư và du khách đến du lịch Ðiện Biên.

Ðặc biệt chăm lo nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch. Coi trọng công tác quản lý du lịch, rà soát kĩ các cơ chế, chính sách hiện có. Ðề nghị với Nhà nước có những chính sách đặc thù trong đầu tư du lịch ở Ðiện Biên, đưa du lịch Ðiện Biên là điểm du lịch quốc gia. Chăm lo xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm du lịch “vừa có tâm, vừa có tài”, hoạt động chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong hoạt động du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó xây dựng một số doanh nghiệp nòng cốt để phát triển du lịch.

Tiềm năng du lịch phong phú, yêu cầu phát triển cao. Vấn đề là nâng cao trách nhiệm, nhận thức và tổ chức thực hiện để du lịch Ðiện Biên thật sự là điểm du lịch có chất lượng cao ở vùng đất lịch sử, anh hùng.

Trịnh Long Biên

(Nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy,

nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương)