Người thầy đặc biệt

Thứ Năm 9:28 22/03/2018
ĐBP - Từ thế hệ học sinh cấp 2 đầu tiên của huyện Tủa Chùa, với ý chí và quyết tâm của mình, ông Vì A Hao tiếp tục là người Mông đầu tiên của mảnh đất này bước vào ngôi trường sư phạm, và trở thành một trong những người thầy giáo, người nghệ nhân đặc biệt của huyện Tủa Chùa. Gần 40 năm đứng trên bục giảng, cũng là bằng đó thời gian ông dành mọi tâm huyết để nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và truyền dạy tiếng nói, chữ viết, văn hóa người Mông cho nhiều thế hệ học trò.

Thế hệ học sinh cấp 2 đầu tiên của Tủa Chùa

Là người dân tộc Mông Xanh, lại sinh ra và lớn lên ở quê hương Sính Phình (huyện Tủa Chùa), từ nhỏ ông Vì A Hao (hiện là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Tủa Chùa) đã được học và thành thạo tiếng nói, chữ viết của người Mông. Văn hoá của đồng bào như con suối, cứ âm thầm chảy và ngấm dần trong ông như một phần máu thịt. Ông Hao chia sẻ: “Ngày tôi còn đi học, đất này lạc hậu, khó khăn nhiều lắm. Gia đình lại không có điều kiện nên chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình theo được hết chương trình học, chứ nói gì đến làm thầy giáo. Cũng bởi thế mà cho đến giờ, và có lẽ suốt đời này tôi không bao giờ quên một người thầy đã làm thay đổi cuộc đời tôi”.

 

Ông Vì A Hao miệt mài làm việc.

Gỡ tấm ảnh đen trắng cũ kỹ treo trang trọng cùng với dãy bằng khen, giấy khen trên tường nhà, trong dòng tâm sự đầy cảm xúc ông Hao chia sẻ về người thầy mang tên Vũ Ðình Sơn (hiện nay đã nghỉ hưu và sinh sống tại TP. Ðiện Biên Phủ) - đó là thầy giáo dạy cấp 2 của ông, và ông cùng với 6 người khác trong ảnh là thế hệ học sinh cấp 2 đầu tiên của huyện Tủa Chùa. Bởi còn nhiều khó khăn nên ngày ấy, những người được đi học, mà lại ham học như ông Hao thực sự rất hiếm. Cái sự “hiếm” ấy thể hiện ở chỗ, cả một trường cấp 2 chỉ có một khóa học, và cũng chỉ vẻn vẹn 7 học sinh. Năm 1975 (sau khi kết thúc chương trình học phổ thông), cũng như 6 người bạn của mình, ông Hao trở về nhà với công việc trên nương. Ngày đó nương xa lắm, đi bộ cả ngày mới tới, vậy mà người thầy giáo ấy đã tìm đến tận nơi chỉ để vận động ông tiếp tục theo học. Giữa thực tại là cuộc sống “cơm áo” và ước mơ trở thành thầy giáo, câu nói của thầy Sơn, rằng: “Em có năng lực, đừng để phí nó. Hãy rèn luyện và hoàn thiện nó để mang về thay đổi quê hương”, đó chính là “chìa khóa” giúp ông Hao quyết tâm bỏ lại mảnh nương đang vào mùa tra hạt, xuống thị trấn làm hồ sơ, để bắt đầu hành trình mới chinh phục ước mơ. Thầy giáo Sơn tiếp tục là người dìu dắt, hướng dẫn, đồng thời giúp đỡ ông Hao cho đến khi vào học tại Trường Trung học Sư phạm (tiền thân của Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên).

Năm 1976, ra trường trở về quê hương, ông Hao công tác tại Trường tiểu học Trung Thu. Trải qua nhiều thăng trầm theo những biến cố của cuộc đời riêng cũng như đổi thay của mảnh đất quê hương, ông đã nhiều lần đi học để hoàn thiện mình và kinh qua nhiều vị trí từ giáo viên, đến quản lý trong ngành giáo dục huyện Tủa Chùa. Ðảm nhận nhiều công việc khác nhau như: Hiệu Phó trường Tiểu học Sính Phình, Hiệu Phó trường Dân tộc Nội trú huyện, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, ông Hao càng có điều kiện được bồi dưỡng thêm vốn chữ viết, tiếng nói, văn hoá của đồng bào. Từ 1992, song song với công việc chuyên môn, ông bắt đầu tham gia dạy khóa học tiếng Mông đầu tiên cho cán bộ công an huyện, và duy trì cho tới nay với đông đảo thế hệ học trò là cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, học sinh và nhân dân không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh. Học sinh của ông chủ yếu là ở Ðiện Biên, Sơn La, Lào Cai. Ðặc biệt, người Mông có 3 loại chữ: Mông Trung Quốc, Mông Mỹ (La tinh) và Mông Việt Nam (do Chính phủ xây dựng năm 1961). Riêng ông, chỉ dạy Mông Việt Nam, một vài năm gần đây ông dạy thêm Mông Mỹ cho đối tượng là công an để phục vụ công tác nghiệp vụ.

Nhiều thế hệ học trò của ông chia sẻ, cũng là dạy ngôn ngữ Mông, song ông Hao không chỉ có kiến thức chuyên môn, hiểu sâu về văn hóa Mông, mà còn có phương pháp đặc biệt nên truyền đạt rất dễ hiểu, dễ nhớ. Còn chia sẻ với chúng tôi, thì ông cho rằng “chẳng có gì đặc biệt cả”. “Dù học cái gì cũng đều phải có phương pháp, và phải tìm ra được nguyên tắc học. Ở đây, viết, đọc và nói tiếng Mông không khó, nguyên tắc ở chỗ: Chữ cái theo phiên âm la tinh, nghĩa đều nằm ở từ mới, nên điều quan trọng là phải học thuộc chữ cái, học thuộc các từ mới thì mới hiểu được nghĩa. Khi đã hiểu nghĩa thì việc học không còn gì khó khăn” - ông Hao nhấn mạnh. Có lẽ, chính việc tìm ra và hướng dẫn được cho học sinh của mình phương pháp, nguyên tắc học tập, nên dù có nhiều người dạy tiếng Mông, song ở Tủa Chùa ông vẫn được đặc biệt tôn trọng!

Dành trọn tâm huyết gìn giữ văn hóa mông

Sau những dòng chia sẻ đầy tự hào về nghề, về các thế hệ học trò và cả những áng thơ ca được người Mông dùng trong ngày hội, ngày cưới, ngày tang lễ... ông Hao lại chùng xuống dòng cảm xúc, với trải lòng: “Các phong tục tập quán của đồng bào Mông rất nhiều. Trước kia các cụ chỉ truyền lại cho con cháu bằng miệng. Như vậy sẽ bị mai một, không giữ được thì rất là phí. Tôi sợ, đến một ngày nào đó, người Mông không còn nói tiếng nói, viết chữ viết, hay chẳng còn hiểu gì về văn hóa Mông, thế thì làm gì còn dân tộc Mông nữa...!?”

Bởi suy nghĩ ấy, nên dù hiện nay, đã ngoài 60 tuổi, ông Hao vẫn dành nhiều thời gian gặp gỡ các nghệ nhân sưu tầm tài liệu cổ để biên soạn, ghi chép lại. Mỗi ngày trôi qua, ngoài thấy ông đứng trên bục giảng miệt mài với bụi phấn, người ta vẫn bắt gặp cái dáng vẻ “khom khom” ấy đi khắp các bản làng người mông, tìm đến những người già, người trẻ, trò chuyện, rồi cặm cụi ghi ghi, chép chép... Nhiều áng thơ ca, phong tục của đồng bào đã được ông biên soạn, đóng quyển cẩn thận. Ðây thực sự là kho kiến thức quý báu cho những ai tìm hiểu về dân tộc Mông. Ai muốn học tiếng, chữ Mông đến ông, ông dạy; ai muốn tìm hiểu về phong tục, văn hoá dân tộc Mông đến ông, ông sẵn sàng dành thời gian để trao đổi. Với ông, đó vừa là niềm vui, vừa là mong muốn để có thể đóng góp sức nhỏ gìn giữ giá trị văn hoá của dân tộc mình.

Ông cũng chia sẻ: “Hiện nay tôi còn ấp ủ 2 dự định liên quan đến văn hóa của đồng bào Mông. Một là thành lập Câu lạc bộ những người yêu văn hóa Mông - nơi mà không chỉ tập hợp, mà sẽ phổ biến, truyền dạy và gìn giữ cho “ngọn lửa” văn hóa Mông sống mãi. Hai là xuất bản một cuốn sách bằng cả chữ Mông và phiên dịch sang chữ Việt về văn hóa Mông, trên cơ sở những gì đã ghi chép được lâu nay, như một kỷ vật để lại cho con cháu mai sau. Việc thứ nhất thì hiện nay mọi thủ tục đã hoàn tất, chúng tôi tập hợp được gần 20 người cùng chí hướng vào hoạt động, trong đó chủ yếu là các nghệ nhân. Quan điểm của huyện và ngành Văn hóa là khuyến khích và ủng hộ, hiện nay cũng đã làm xong tờ trình, chỉ chờ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt. Còn việc thứ 2, thì hiện nay chưa thể thực hiện được. Tư liệu thì đã có, nhưng còn khó về một số thủ tục và điều kiện xuất bản. Có lẽ tôi cần thêm sự hỗ trợ!” 

Với vốn kiến thức về văn hóa Mông vô cùng phong phú, năm 1996, ông Vì A Hao được Bộ Giáo dục và Ðào tạo mời tham gia làm từ điển giáo khoa Mông - Việt. Năm 2006, ông tham gia xây dựng chương trình tiếng, chữ Mông cho cán bộ, viên chức ngành giáo dục của cả nước; tham gia tập huấn về phương pháp giảng dạy chữ, tiếng Mông. Ông cũng được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh và ngành giáo dục. Song, đối với ông phần thưởng lớn nhất là luôn được bà con quý mến, trân trọng và gọi ông là “Người thầy đặc biệt”!