“Chắp cánh” cho những khát vọng tới trường

Thứ Năm 8:50 12/04/2018
ĐBP - Con đường ngắn nhất để chạm tới ước mơ là học tập. Khát vọng ấy đã và đang là động lực giúp học sinh vùng cao huyện Mường Nhé vượt bao khó khăn để theo đuổi ước mơ học tập, với kỳ vọng về một tương lai tươi sáng. Mặc cho hành trình ấy còn biết bao khúc khuỷu, gập ghềnh…

Ðể kịp tới trường, học sinh tại các bản vùng cao xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) phải thức dậy từ tờ mờ sáng - thời điểm mà những ngôi nhà trình tường của người dân tộc Hà Nhì vẫn còn chìm sâu trong làn sương sớm se lạnh. Dưới ánh đèn pin, tiếng í ới gọi nhau cùng bước chân rộn ràng của đám học trò hát vang những khúc ca giữa núi rừng đại ngàn để gần hơn con đường tới trường. Và dưới mái trường thân quen, thầy cô giáo đang ngóng đợi học trò yêu quý.

 

Một tiết học của cô và trò lớp 3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé).

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn tâm sự: Sáng nào cũng vậy, chỉ khi thấy các em đến lớp đông đủ, giáo viên trong trường mới an tâm về phòng giáo vụ để chuẩn bị cho tiết học đầu tiên trong ngày. Trường hiện có 394 học sinh là con em đồng bào các dân tộc Hà Nhì, Mông, Thái, sinh sống tại 7 bản trong xã. Gia đình các em hầu hết thuộc diện nghèo, nhiều hộ đói ăn, thiếu lương thực nhưng sự chịu khó và tự giác học tập của học sinh nơi đây thì hiếm có nơi nào sánh bằng. Ngày nghỉ các em lại đi bộ khoảng 20 cây số về nhà, lên nương đỡ đần cha mẹ sản xuất. Ðiều này khiến thầy cô không khỏi lo lắng trong số đó có em sẽ không được quay lại trường học chữ vì gia đình bắt ở nhà làm nương hoặc dựng vợ gả chồng. Cũng vì lẽ đó, sau mỗi lần các em về nhà thầy cô nơi đây lại ngóng đợi từng giây từng phút.

Em Vàng Thị Dua, học sinh lớp 5, nhà ở bản Cà Là Pá chia sẻ: Hàng ngày, Dua và những người bạn trong bản phải dậy từ 5 giờ sáng lóc cóc đi bộ 10km đường rừng mới ra đến trung tâm xã. Cuối buổi học, các em vội vã về nhà để cám bã nuôi lợn, lên nương trồng ngô giúp bố mẹ. Vất vả là thế nhưng chưa một lần Dua nghỉ học. 5 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.

Câu chuyện những học sinh nơi đây càng khiến chúng tôi khâm phục ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên trong học tập của các em. Dù hoàn cảnh khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc, thậm chí bị cha mẹ ngăn cản không cho tới trường nhưng các em vẫn hàng ngày trèo đèo, lội suối đến trường học chữ, khát vọng vươn lên.

Thầy giáo Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé, cho biết: Ðể duy trì sĩ số và tạo động lực cho học sinh tới trường, mỗi thầy cô giáo là tấm gương học tập và sáng tạo; đồng thời quan tâm, động viên, khích lệ các em kịp thời và trang bị kỹ năng sống cho các em. Ðể học sinh thấy rằng mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ngoài những tình yêu thương đó, phòng chủ động, huy động mọi nguồn lực từ sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước chăm lo đời sống cho học sinh, đảm bảo các điều kiện học tập một cách tốt nhất. Chính vì thế, trong những năm gần đây, tỷ lệ chuyên cần của học sinh luôn đạt trên 95% và đặc biệt trong năm học 2016 - 2017 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%. Tuy nhiên, vấn đề khiến các thầy cô vẫn luôn canh cánh đó là con đường học tập của các em luôn vướng phải những rào cản từ đói nghèo, nhất là tình trạng dân di cư tự do. Hy vọng với sự thương yêu của các thầy cô giáo, cùng với chủ trương của Ðảng trong thực hiện Ðề án 79 của Chính phủ, Kế hoạch 420 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do trên địa bàn huyện Mường Nhé; nỗ lực vươn lên, học chữ của chính mỗi em học sinh thì nỗi lo ấy của các thầy cô giáo nơi đây sẽ không còn. Học tập là cánh cửa mở tương lai, và khát vọng đó đã và đang được nuôi dưỡng bởi chính học sinh và các thầy cô giáo dành cả tuổi thanh xuân bám bản, bám trường, truyền dạy kiến thức cho các em; “chắp cánh” cho khát vọng của các em sớm trở thành hiện thực.