Cần suy ngẫm

Ðại học không phải là tất cả

Thứ Tư 9:04 18/07/2018
ĐBP - Hàng nghìn thí sinh trên địa bàn toàn tỉnh vừa trải qua thử thách quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018. Và giờ đây kết quả đã rõ thì trong số đó cũng có cả nghìn thí sinh phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu vào đại học. Nguyện vọng đó là hoàn toàn chính đáng đối với học sinh. Tuy nhiên, đó không phải là sự lựa chọn tối ưu nhất, phù hợp nhất. Khi đã có một bộ phận không nhỏ học đại học theo phong trào, học đại học cho bằng chúng bằng bạn hoặc vì thiếu định hướng… là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm như đã và đang diễn ra.

Lâu nay, tư duy phải học đại học mà xem nhẹ việc học nghề đã ăn sâu bám rễ vào một bộ phận phụ huynh cũng như mỗi học sinh trước ngưỡng cửa tương lai. Tâm lý sính bằng cấp, thích “làm thầy” đã tạo áp lực cho chính quyền các cấp trong giải quyết việc làm. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề chọn học đại học hay học nghề lại đang trở thành đề tài “nóng” như hiện nay, bởi ai cũng biết rằng việc tinh giản biên chế trong cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập diễn ra vô cùng quyết liệt. Ðồng nghĩa với điều đó là cơ hội để sắp xếp việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học đã khó nay càng khó hơn. Và câu chuyện cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã không còn là chuyện mới và tiếp tục xảy ra nếu không có định hướng tốt từ phía mỗi gia đình, bản thân người học và xã hội. Con số thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, chỉ tính từ năm 2012 đến nay, có tới hơn 2.600 học sinh trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng nhưng chưa có việc làm đã gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về việc định hướng lựa chọn ngành nghề trong mỗi gia đình và toàn xã hội sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Vẫn biết rằng, học đại học là tốt khi có kiến thức nền, kiến thức cơ bản. Nhưng nếu lựa chọn không phù hợp với khả năng, không có sự say mê hứng thú mà vẫn cố dấn thân thì thực là uổng phí. Trong khi rất nhiều chương trình học nghề đã tạo được cơ hội việc làm, thu nhập cao cho các bạn trẻ đam mê, nhiệt huyết. Sự học sẽ không bao giờ ngừng lại, không bao giờ là đủ và chẳng bao giờ là vô nghĩa cho những quyết định đúng. Và để làm được điều đó không thể thiếu sự vào cuộc của cả xã hội, tâm thế của người học và nhất là cần thay đổi tư duy, định kiến về việc học nghề đã và vẫn đang tồn tại trong không ít các bậc phụ huynh.