Phản bác quy định văn bằng bác sĩ chuyên khoa tương đương cử nhân

Thứ Tư 9:25 07/11/2018

Để trở thành người bác sĩ hành nghề chuyên môn, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 6 năm ở trường đại học, người học còn phải đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu và thường xuyên đào tạo cập nhật, phát triển nghề nghiệp, điều này khác hẳn với các chương trình đào tạo cử nhân thường chỉ học 4 năm đại học.

Liên quan tới Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, TS Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế và là thành viên Tổ tư vấn đổi mới của Bộ Y tế đã có những góp ý về một số quy định tại dự thảo luật từ góc độ của ngành Y tế.

Theo TS Nguyễn Minh Lợi, việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này có một số vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực y tế chưa thể hiện được tính nhất quán, đồng bộ trong dự thảo luật, nhất là nội dung về trình độ và văn bằng giáo dục đại học. Cụ thể, TS Nguyễn Minh Lợi phân tích, để trở thành người bác sĩ hành nghề chuyên môn, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 6 năm ở trường đại học, người học còn phải đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu và thường xuyên đào tạo cập nhật, phát triển nghề nghiệp, điều này khác hẳn với các chương trình đào tạo cử nhân thường chỉ học 4 năm đại học.

 

TS Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.

Hơn nữa, chương trình đào tạo, năng lực của chuyên khoa và chuyên khoa sâu (ở Việt Nam hiện nay là đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và bác sĩ nội trú) cũng khác hẳn chương trình và năng lực đầu ra của thạc sĩ, tiến sĩ. “Do vậy, đối với những đối tượng này không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Rất tiếc là điều này chưa được thể hiện trong Dự thảo Luật giáo dục đại học, nên cần thiết phải quy định về loại hình trình độ và văn bằng này trong dự thảo luật” – TS Lợi nêu quan điểm.

 

Đào tạo bác sĩ chuyên khoa mất nhiều thời gian hơn so với việc đào tạo cử nhân.

TS Lợi cũng cho biết, hiện nay, Luật Giáo dục hiện hành của Việt Nam chỉ quy định các văn bằng được đào tạo gồm bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, không quy định trình độ và văn bằng chuyên sâu (trong y tế có chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú). Trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học cũng không nói rõ về nội dung này.

“Câu hỏi đặt ra là các chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa sâu sau đào tạo bác sĩ thì là tương đương với chương trình đào tạo của trình độ nào? Quy định ở đâu? Các chương trình đào tạo này không thể tương đương với chương trình cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ vì đây là theo định hướng đào tạo chuyên sâu nên phải quy định trình độ cụ thể như các nước đã làm” – ông Lợi bày tỏ quan điểm. Từ những phân tích trên, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho rằng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học nên quy định văn bằng chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu. “Tôi đề nghị nếu không xác định là 'tương đương' thì cần ghi rõ: 'Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học quy định tại Luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, trình độ chuyên gia' và 'Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, bằng chuyên gia...” – TS Lợi đề nghị.