Chú trọng giáo dục kỹ năng sống, hướng đến giáo dục toàn diện

Thứ Tư 9:54 05/12/2018
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua, các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh thông qua các môn học trên lớp và ngoài giờ học chính khóa. Tuy nhiên, để hoạt động giáo dục KNS ngày càng hiệu quả, ngành giáo dục cần ban hành một số quy định, chính sách, hướng dẫn thực hiện phù hợp thực tiễn.

 

Giờ học kỹ năng sống (làm việc theo nhóm khi chăm sóc vườn đào) của học sinh Trường THCS Thanh Đình (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), giáo dục KNS là một yêu cầu, bảo đảm giáo dục toàn diện, giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu, hội nhập quốc tế. Ðối với cấp học mầm non, giáo dục KNS là một trong những định hướng đổi mới giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục KNS thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và lồng ghép trong các môn học. Trong khi đó, ở cấp THCS và THPT, nội dung, hình thức giáo dục KNS được triển khai phong phú và đa dạng hơn thông qua các hoạt động của Ðoàn, Ðội...

Cô giáo Lê Thị Bình, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nhà trường đang triển khai giáo dục KNS cho học sinh thông qua từng môn học và ngoài giờ chính khóa. Thí dụ, ở môn Kỹ thuật, giáo viên tăng cường dạy học sinh kỹ năng tự phục vụ bởi ở nhà, các em thường được cha, mẹ, người giúp việc làm thay, cho nên kỹ năng này còn yếu. Ðây là những việc tuy đơn giản nhưng nếu các em thiếu kỹ năng có thể làm không tốt, gặp nguy hiểm.

Trong khi đó, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), từ năm 2014 đến nay, thực hiện hiệu quả một số mô hình giáo dục KNS phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh. Theo cô giáo Nguyễn Phương Liên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội kéo theo những hệ lụy khi học sinh tiếp xúc ngày càng nhiều phim ảnh, thông tin có tính chất bạo lực. Mặt khác, những thay đổi tâm lý, sinh lý nhưng cha, mẹ thiếu quan tâm, giáo dục là một trong những nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường. Vì vậy, nhà trường chú trọng mô hình tạo không gian để học sinh có thể cung cấp thông tin với giáo viên của phòng tham vấn. Những học sinh gặp khó khăn trong giải quyết các vấn đề của bản thân sẽ nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ cán bộ tham vấn, của giáo viên chủ nhiệm và nhóm "Lãnh đạo trẻ". Kết quả, từ năm 2014 đến nay, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã tổ chức được 92 ca tham vấn cá nhân và nhóm học sinh về những vấn đề các em quan tâm, khó xử...

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc giáo dục KNS cho học sinh cũng còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Các trường còn nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục KNS, dẫn đến một bộ phận học sinh thiếu hụt hiểu biết về môi trường chung quanh, ứng xử thiếu văn hóa. Dẫn câu chuyện một học sinh ở Quảng Bình mới đây nói tục nên bị cô giáo phạt bằng cách yêu cầu các bạn trong lớp tát vào má hàng trăm cái, phải nhập viện điều trị, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cô giáo Lê Thị Bình, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng đó là bài học thiếu hụt về KNS. Bởi các em đã không biết chia sẻ, không nói ra với gia đình, nhà trường. Trong khi đó, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD và ÐT Nghệ An) Nguyễn Trọng Bé cho biết, công tác chỉ đạo, quản lý về hoạt động giáo dục KNS ở cấp học nào thì do phòng chuyên môn cấp học đó tham mưu triển khai mà chưa quy về một đầu mối, dẫn tới sự liên thông chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng. Chương trình giáo dục KNS chủ yếu đang ở dạng tích hợp, lồng ghép trong một số môn cho nên chưa có nhiều thời gian để học sinh vận dụng. Các hoạt động tập thể về giáo dục KNS cơ bản mới bảo đảm được chiều rộng, đó là cung cấp thông tin, lý thuyết mà chưa đi sâu vào các tình huống thực tế. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần sớm ban hành cơ chế, chính sách riêng để giáo dục KNS được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả. Ngành giáo dục cần có chương trình tập huấn cho đội ngũ giáo viên làm công tác giáo dục KNS; có quy định cụ thể về định mức lao động; quy định mức kinh phí, nguồn kinh phí được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm với mục đích giáo dục KNS cho học sinh…

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD và ÐT) Bùi Văn Linh cho biết, đến nay tất cả các sở GD và ÐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống, KNS cho học sinh. Hầu hết các trường mầm non tập trung giáo dục các kỹ năng cơ bản làm tăng khả năng cho trẻ biết như: mạnh dạn trong giao tiếp, chào hỏi lễ phép; biết tự mặc quần áo, chải đầu, rửa tay, nhớ số điện thoại, địa chỉ nhà. Ở cấp tiểu học, nhiều nơi giáo dục KNS được dạy một tiết/tuần (đối với các lớp dạy học hai buổi/ngày) hoặc lồng ghép vào hoạt động ngoài giờ lên lớp và tiết sinh hoạt tập thể, các môn của giờ học chính khóa. Kết quả, giáo dục KNS đã thay đổi thái độ, hành vi của học sinh như: Có kỹ năng ứng xử khéo léo; sống và giao tiếp tự tin, có trách nhiệm bản thân, gia đình; biết bơi lội, biết cách phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích. Với cấp THCS và THPT, các nội dung giáo dục KNS được triển khai phong phú và đa dạng hơn. Học sinh tích cực tham gia lao động, vệ sinh ngõ xóm, khu dân cư, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ vào dịp Tết Nguyên đán... Các em biết cách giao tiếp, ứng xử, quản lý thời gian, xử lý tình huống, ra quyết định và làm việc nhóm... Thời gian tới, Bộ GD và ÐT rà soát, kiến nghị, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy định, hướng dẫn về công tác giáo dục KNS; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục KNS theo chương trình giáo dục phổ thông mới.