Tạo bước khởi đầu vững chắc

Thứ Tư 9:04 19/12/2018

ĐBP - Ðiện Biên là 1 trong 42 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Ðề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Qua 2 năm triển khai, Ðề án góp phần trang bị cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo bước khởi đầu vững chắc để các em bắt đầu việc học văn hóa ở các cấp học cao hơn hiệu quả nhất.

 

Một tiết học của thầy và trò Trường Tiểu học Chà Cang (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Phạm Quang

Ðể Ðề án từng bước đi vào thực tiễn, ngành Giáo dục và Ðào tạo đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS. Các cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên của các trường mầm non, tiểu học là các tuyên truyền viên tích cực về việc thực hiện Ðề án. Nội dung tuyên truyền, vận động trẻ trong độ tuổi mầm non, tiểu học ra lớp, đặc biệt chú trọng huy động trẻ nhà trẻ và trẻ 6 tuổi vào lớp 1; huy động trẻ DTTS vùng đặc biệt khó khăn nhằm tăng tỷ lệ trẻ đến trường, trẻ đi học chuyên cần và giảm tỷ lệ trẻ bỏ học. Ðồng thời, vận động phụ huynh và cộng đồng tích cực sử dụng tiếng Việt để giao tiếp khi trẻ ở nhà nhằm tạo môi trường thực hành giao tiếp hiệu quả... Qua 2 năm triển khai, trên 75.000 phụ huynh trẻ mầm non, hơn 41.000 phụ huynh trẻ tiểu học được truyền thông về Ðề án. Ngoài ra, ngành bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho 1.063 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia dạy trẻ em là người DTTS. Một số huyện thực hiện bồi dưỡng tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ là người DTTS có con đang học tại các điểm trường vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục tích cực thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS thông qua các hoạt động hàng ngày theo chế độ sinh hoạt của trẻ mầm non; rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh tiểu học vào các buổi chiều trong tuần. Các cơ sở giáo dục cũng được bổ sung thêm thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Từ năm 2017 đến nay, cấp học mầm non bổ sung 1.365 bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi với tổng kinh phí trên 62 tỷ đồng. Giáo viên các trường tự làm 10.926 đồ dùng, đồ chơi sử dụng trong lớp và ngoài trời. Cấp tiểu học mua mới 2.597 bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu với kinh phí gần 42 tỷ đồng; bổ sung 3.648 bộ đồ dùng, đồ chơi tự làm. Hầu hết các trường có góc thư viện thân thiện trong lớp hoặc ngoài trời tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ và phụ huynh giúp trẻ tiếp xúc với sách, truyện.

Cô giáo Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tênh Phông (huyện Tuần Giáo), chia sẻ: Với đặc thù địa bàn có 100% học sinh là người DTTS nên nhà trường tăng thời gian luyện nói và dạy tiếng Việt thông qua các trò chơi, hoạt động ngoại khóa. Ðiều đó tạo không khí vui vẻ, tâm thế thoải mái, giúp học sinh tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Việt. Giáo viên tại 4 điểm trường quan tâm hơn đến việc xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ bằng những học liệu dễ kiếm tại địa phương. Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp với phụ huynh học sinh khuyến khích con em mình sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và tạo dựng môi trường nói tiếng Việt tại gia đình… Còn đối với các trường tiểu học trên địa bàn huyện Tủa Chùa thì tăng cường dạy học 2 buổi/ngày để học sinh có nhiều cơ hội cũng như thời gian giao tiếp bằng tiếng Việt với cô giáo và bạn bè; tăng thời lượng dạy môn Tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết lên 504 tiết. Giáo viên còn tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục và vận dụng các phương pháp dạy học tiếng Việt với tư cách dạy học ngôn ngữ thứ hai để tăng thời gian luyện nói cho học sinh. Xây dựng cho học sinh môi trường giao lưu tiếng Việt để học sinh dân tộc có cơ hội tăng khả năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô bằng tiếng Việt bằng việc tổ chức các hội thi (giao lưu tiếng Việt, thi văn nghệ, Rung chuông vàng...)