Phòng, chống bạo lực học đường

Nhận thức đúng, hành động trách nhiệm

Thứ Năm 9:25 09/05/2019
ĐBP - Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường (BLHÐ), vi phạm đạo đức nhà giáo trên địa bàn cả nước có chiều hướng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến phụ huynh, dư luận bức xúc. Trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xảy ra một số vụ việc BLHÐ đáng tiếc, như: cô giáo đánh học sinh gây tổn thương đa cơ và gân ở cẳng tay, tổn thương nông ở đầu tại Trường Tiểu học Nậm Pố, huyện Mường Nhé (năm 2017) hay vụ giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Ðàn, TP. Ðiện Biên Phủ đã có những hành vi không đúng mực khi kéo 1 học sinh gây tổn thương vùng tai...

Ðể công tác phòng, chống BLHÐ đạt hiệu quả, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã triển khai nhiều văn bản. Gần đây nhất (ngày 28/3/2019), UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 786/UBND-KGVX, về việc khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2017/NÐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHÐ và Chỉ thị số 1737/CT-BGDÐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Sở Giáo dục và Ðào tạo cũng đã ban hành Văn bản số 595/SGD&ÐT-TTr, ngày 3/4/2019, về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống BLHÐ... Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, các phòng giáo dục và đào tạo đã cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đến các đơn vị trường học trực thuộc.

Ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Ảng cho biết: Những năm qua huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kịp thời phổ biến và triển khai các văn bản của Trung ương, Bộ, Sở Giáo dục và Ðào tạo về công tác phòng, chống BLHÐ đến 100% trường học trên địa bàn; chủ động tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học. Chỉ đạo 36/36 trường làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể, cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường về công tác phòng chống BLHÐ; tổ chức tốt các hoạt động giáo dục tại nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ; đảm bảo 100% học sinh đến trường được an toàn, góp phần tạo dựng môi trường học đường thân thiện an toàn, văn minh. Ðồng thời, Phòng cũng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt các nội dung theo 13 tiêu chí, xã thị trấn phù hợp với trẻ em quy định tại Quyết định 06/QÐ-TTg của Chính phủ... Nhờ đó, tình hình triển khai công tác phòng, chống BLHÐ trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã đạt kết quả khả quan. Từ đầu năm học 2018 - 2019 đến nay, 100% trường học trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp BLHÐ. Các trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ý thức phòng, chống BLHÐ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thông qua tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, ngoại khóa, giáo dục kĩ năng sống; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền, công an, gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền giáo dục học sinh về phòng chống BLHÐ, xây dựng trường học an toàn thân thiện. Các giáo viên chủ nhiệm nắm bắt, tìm hiểu kĩ hoàn cảnh của từng học sinh; đối với những học sinh “cá biệt” có kế hoạch và biện pháp giáo dục thích hợp trong từng tuần, từng tháng, thầy cô thường xuyên quan tâm, lắng nghe và tư vấn tâm lý kịp thời cho học sinh, giúp các em tránh được những suy nghĩ và việc làm tiêu cực bộc phát... Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLHÐ, thời gian tới, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Ảng sẽ chỉ đạo các trường tiếp tục tổ chức cho học sinh kí cam kết về việc thực hiện nội quy, quy định của nhà trường, cam kết “Nói không với hành vi BLHД; thông tin kịp thời tới gia đình học sinh để phối kết hợp trong giáo dục những học sinh vi phạm nội quy nhà trường, kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực có liên quan đến học sinh; tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra hoạt động của các quán internet trên địa bàn huyện nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội đối với học sinh...

Tình trạng BLHÐ len lỏi bất cứ nơi đâu từ các trường ở trung tâm thành phố, cho đến các trường vùng sâu vùng xa. Ðặc biệt ở các trường khu vực thành phố tình trạng BLHÐ càng diễn biến phức tạp bởi sự phát triển của mạng internet, học sinh có cơ hội tiếp xúc với các video, phim ảnh mang tính chất bạo lực, nội dung xấu chưa qua kiểm duyệt… nên đòi hỏi mức độ quản lý, tuyên truyền giáo dục về phòng, chống BLHÐ cần sát sao hơn. Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Hầu hết học sinh của trường ngoan ngoãn, lễ phép, ăn mặc giản dị phù hợp với độ tuổi. Tuy nhiên vẫn còn một số ít học sinh chưa nhận thức đúng đắn, ý thức học tập và rèn luyện chưa cao, vi phạm nội quy nhà trường. Trường ở khu vực trung tâm thành phố nên chủ yếu các em học sinh không chuyên cần là những học sinh nghiện game. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHÐ... Nhằm phòng chống BLHÐ, hàng năm Trường đều xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn trường học; phòng, chống BLHÐ, triển khai đến toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh. Trường chủ động trang bị kiến thức, kĩ năng về phòng, chống xâm hại cho người học; phòng chống BLHÐ, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của nhà trường; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy định của học sinh hàng ngày (chấp hành nề nếp, trang phục, đầu tóc; phát hiện và ngăn ngừa học sinh mang vũ khí đến trường…). Các giáo viên chủ nhiệm cùng với nhà trường chủ động phối hợp với gia đình, công an, chính quyền địa phương tuyên truyền, quản lý, giáo dục những học sinh, không chuyên cần, học sinh “cá biệt”… Nhờ thực hiện tốt các giải pháp mà thời gian qua tình trạng BLHÐ không xảy ra trong trường.

Với sự quan tâm đúng mức đến vấn đề BLHÐ, nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHÐ; công tác phòng, chống BLHÐ ở tỉnh Ðiện Biên đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc này không chỉ là trách nhiệm của các trường học mà của toàn xã hội.  Sự chung tay vào cuộc từ nhiều phía (gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương...)  là yêu cầu nhất định phải được nhận thức và hành động một cách có trách nhiệm cao.