Ðiểm sáng trong công tác xã hội hóa giáo dục

Thứ Tư 9:13 12/06/2019

ĐBP - Những năm qua, không chỉ nỗ lực trong công tác dạy và học, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi, huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục. Từ năm 2013 đến nay, toàn ngành đã kêu gọi, kết nối với các nhà từ thiện, các tổ chức, cá nhân cùng với nhân dân hỗ trợ, đầu tư kinh phí, ngày công lao động… xây dựng hàng trăm phòng học cùng nhiều công trình phụ trợ, đáp ứng cơ bản yêu cầu giáo dục và đào tạo trên địa bàn.

 

Ðiểm trường Huổi Lụ 2, Trường Mầm non Nà Khoa được xây dựng từ số tiền hỗ trợ của Nhóm Nụ cười trẻ thơ và các nhà hảo tâm.

Trong niềm vui vừa đón Bằng công nhận Trường THCS đạt chuẩn quốc gia cuối năm 2018, thầy Nguyễn Văn Yên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Khăn chia sẻ: Những ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, các phòng học hoàn toàn là nhà tranh tre nứa lá. Hơn nữa, Trường còn phải tổ chức giảng dạy cho 3 cấp học từ mầm non đến THCS. Trước những khó khăn như vậy, Trường xác định để nâng cao chất lượng giáo dục, trước tiên phải có cơ sở vật chất đáp ứng đủ điều kiện dạy và học. Do vậy, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Trường đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhân dân tham gia hỗ trợ xây dựng phòng, lớp học và các hạng mục phụ trợ. Riêng năm học vừa qua, nhà trường đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 300 triệu đồng xây dựng điểm trường Hô Tâu với 2 phòng học, 1 phòng công vụ. Ðến nay, các phòng học cơ bản đáp ứng đủ điều kiện cho hơn 350 học sinh học tập.

“Xuất phát điểm khó khăn như vậy, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, nơi ăn, chốn ở của học sinh bán trú; nhưng bằng tinh thần, trách nhiệm cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành, những năm qua, tập thể sư phạm nhà trường đã không ngừng nỗ lực vượt khó. Thành quả là năm học 2018 - 2019, Trường vinh dự được UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia” - thầy Nguyễn Văn Yên phấn khởi chia sẻ.

Ở Nậm Pồ, không riêng gì Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Khăn,  nhiều trường cũng được đầu tư xây dựng các hạng mục nhờ sự chung tay, hỗ trợ của toàn xã hội. Riêng năm học 2018 - 2019, toàn huyện có gần 30 phòng học được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Nói về công tác xã hội hóa giáo dục để kiên cố hóa trường, lớp học, thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo, huyện Nậm Pồ cho biết: Thời điểm khi huyện mới chia tách, thành lập, nhiều trường, lớp học đã bị xuống cấp; các phòng làm việc, phòng bộ môn, nhà ở nội trú, nhà bếp, nhà vệ sinh, sân trường, tường rào của các trường còn thiếu rất nhiều, chỉ có 8/37 trường đủ điều kiện tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh. Trước thực trạng đó, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, ngành đã cùng với chính quyền địa phương kết nối, kêu gọi với các nhà từ thiện, các tổ chức, cá nhân cùng với nhân dân hỗ trợ, đầu tư kinh phí, ngày công lao động kiên cố hóa trường, lớp học.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp học của huyện Nậm Pồ đã đổi thay nhiều. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, từ năm 2013 đến nay, toàn huyện đã tu sửa, làm mới hơn 300 phòng học, phòng làm việc đạt tiêu chuẩn ba cứng. Trong đó, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ hơn 12 tỷ đồng; thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh góp hơn 10.000 ngày công lao động. Nhờ được đầu tư về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học qua mỗi năm học ngày càng được nâng lên. Ðến nay, toàn huyện đã có 25/40 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ðây là thành quả của sự chung tay, góp sức của toàn xã hội đối với công tác giáo dục và đào tạo ở Nậm Pồ.