Tiếp tục áp dụng thành tố tích cực của mô hình VNEN

Thứ Năm 9:44 18/07/2019
ĐBP - Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) triển khai tại Ðiện Biên từ năm học 2012 - 2013 đối với bậc tiểu học và đã kết thúc từ năm 2016. Song năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh vẫn duy trì 153 trường có học sinh tiểu học áp dụng mô hình VNEN; còn lại 26 trường tiểu học chưa đủ điều kiện áp dụng mô hình VNEN. Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh tiếp tục áp dụng các thành tố tích cực, tiên tiến của mô hình VNEN đối với 26 trường này để chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.


Một tiết học theo mô hình VNEN của cô và trò Trường Tiểu học Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé).

Trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ số 2, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) đã tiếp cận mô hình VNEN từ năm học 2012 - 2013. Nhưng từ khi Ban Văn hóa - Xã hội (HÐND tỉnh) đề nghị UBND tỉnh không mở rộng đại trà mô hình trường học mới ở những địa bàn khó khăn, các điểm trường vùng sâu, vùng xa nên nhà trường đã kết hợp những thành tố tích cực của VNEN với phương pháp học truyền thống. Cô Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ số 2 cho biết: Triển khai mô hình VNEN giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn; tạo không khí vừa học, vừa chơi và học sinh nào cũng được tham gia học tập. Song với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thì sự hiểu biết về tiếng phổ thông, khả năng tự học, giao tiếp, làm việc theo nhóm của các em hạn chế, khiến việc triển khai thực hiện VNEN gặp không ít khó khăn. Vì lẽ đó, từ năm học 2017 - 2018, nhà trường đã lồng ghép các thành tố tích cực của VNEN với chương trình giáo dục hiện hành để học sinh thích nghi dần với phương pháp dạy học mới.

Năm học 2018 - 2019, huyện Tủa Chùa có 8/16 trường tiểu học đủ điều kiện, đáp ứng được yêu cầu dạy học theo mô hình VNEN; còn lại 8 trường chưa đủ điều kiện thực hiện mô hình này. Chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện VNEN, thầy Ðặng Quang Diễn, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất nhiều trường chưa đáp ứng theo yêu cầu của mô hình mới, phòng lớp học nhỏ nên sự tương tác giữa thầy và trò, trò với trò còn hạn chế; một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng việc học hỏi phương pháp dạy học tích cực mới; trình độ dân trí, chất lượng học sinh đầu vào thấp khiến việc áp dụng mô hình VNEN trên địa bàn huyện Tủa Chùa khó khăn hơn. Ðể chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo đơn vị tiếp tục áp dụng các thành tố tích cực, tiên tiến của mô hình VNEN vào giảng dạy cho tất cả 16 trường tiểu học trên địa bàn huyện trong năm học tới.

Tại phiên họp giải trình về tình hình triển khai, kết quả thực hiện mô hình VNEN trên địa bàn, lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo đã nêu một số khó khăn, như: Thiếu phòng học kiên cố, bán kiên cố, chưa có hệ thống phòng chức năng (giáo dục âm nhạc, mỹ thuật, thư viện…); đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp; giáo viên chưa sẵn sàng cho việc thiết kế bài học, tổ chức hoạt động dạy học theo phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm… Tuy nhiên, mô hình VNEN là tiền đề có tính tiếp nối, chuyển tiếp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên năm học 2019 - 2020, Sở tiếp tục áp dụng các thành tố tích cực, tiên tiến của mô hình VNEN theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ðào Thái Lai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Ðào tạo) cho biết: VNEN là mô hình thực hiện đổi mới cách thức tổ chức lớp học, đổi mới phương pháp dạy và phương pháp học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Theo các nghiên cứu và kết quả đánh giá, các thành tố tích cực của VNEN có thể phân ra thành 3 nhóm: Nhóm các thành tố liên quan đến nhận thức, nhóm các thành tố liên quan đến phương pháp giáo dục và nhóm các thành tố liên quan tới chủ thể giáo dục. Áp dụng các thành tố tích cực, tiên tiến của mô hình VNEN là vận dụng kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực, tổ chức không gian lớp học với các góc học tập, góc thư viện, góc địa phương... kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa dạy học truyền thống với mục tiêu phát huy tính tích cực, năng động, độc lập, sáng tạo của học sinh. Ðể vận dụng tốt các thành tố tích cực của mô hình VNEN trong năm học tới, Sở Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức truyền thông về những thành tố tích cực của mô hình nhằm tạo sự đồng thuận cho phụ huynh học sinh và dư luận xã hội; thực hiện hiệu quả phương pháp bàn tay nặn bột, dạy mỹ thuật theo phương pháp Ðan Mạch, dạy học theo nhóm, dạy học phân loại và thường xuyên tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh từ năm học 2019 - 2020…

Có thể thấy, trong bối cảnh ngành Giáo dục và Ðào tạo đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc áp dụng những thành tố tích cực của mô hình VNEN là một hướng đi đúng đắn nhưng cần phải vận dụng linh hoạt tùy theo điều kiện thực tế. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Ðào tạo cần tập trung bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đạt hiệu quả tốt nhất.