10 năm dưới mái nhà chung - Trường THPT Thanh Nưa

Thứ Năm 8:29 07/11/2019

ĐBP - Hòa trong niềm hân hoan phấn khởi của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong cả nước hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Trường THPT Thanh Nưa cũng sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập. 10 năm là khoảng thời gian chưa dài, song sự vươn mình trong gian khó để trở thành Trường có chất lượng giáo dục tốt trên địa bàn biên giới như hôm nay là dấu ấn quan trọng.

Ðồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám hiệu tại Lễ công bố Quyết định thành lập Trường THPT Thanh Nưa, năm 2009.

Trường THPT Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) được thành lập theo Quyết định số 966/QÐ-UBND, ngày 28/7/2008 của UBND tỉnh. Tháng 7/2009, Trường đi vào hoạt động. Ngày đầu tạo dựng, Ban Giám hiệu Trường được Trường THCS và Trường Tiểu học Thanh Nưa cho mượn 2 phòng làm việc và 4 gian lớp học. Năm học đầu tiên, học sinh nhập học rất đông với 194 học sinh/4 lớp 10. Ở nhờ nhưng Trường vẫn tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa cho cán bộ, giáo viên, được nhân dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

Sau 1 năm gian khó, Trường chuyển về ngôi trường mới khang trang tại đội 25 Hồng Lệnh, xã Thanh Nưa. Thời điểm đó, ngoài giờ lên lớp, thầy trò cùng lao động hăng say để tạo cảnh quan trường mới khang trang, sạch, đẹp. Hàng cây 10 năm tuổi hôm nay đã rợp bóng sân trường. Hiện nay Trường đã có cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ cho việc dạy và học: Khu nhà công vụ, khu lớp học được xây dựng kiên cố với 14 phòng học, có các phòng học bộ môn, phòng chức năng, thư viện, sân chơi, khu nhà nội trú với 10 phòng ở cho học sinh, khu nhà công vụ cho giáo viên. Nhà đa năng hiện đại được đầu tư. Sau mỗi giờ học, học sinh được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phát triển năng khiếu, rèn luyện sức khỏe. Có thể nói, Trường THPT Thanh Nưa hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một ngôi trường đẹp và chất lượng của ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh.

Ðược học tập trong một môi trường “xanh - sạch - đẹp”, học sinh của Trường không chỉ được dạy về kiến thức văn hóa mà còn được chăm lo về đời sống tinh thần, nhất là học sinh ở  nội trú. Tập thể sư phạm Trường luôn quan tâm chăm lo cho học sinh. Ở trường, giáo viên như những người cha, người mẹ thứ hai, động viên, chia sẻ, giúp đỡ để các em yên tâm học tập. Làm tốt được điều này, càng khiến phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em. Vì vậy, trong những năm gần đây, tỉ lệ tuyển sinh của nhà trường luôn vượt chỉ tiêu ngành giao.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, đã có nhiều thế hệ học sinh được học tập, rèn luyện, trưởng thành từ mái trường này. Nhiều học sinh đã trở thành những tấm gương sáng về tinh thần hiếu học về ý chí, nghị lực vượt lên hoàn cảnh để đạt được thành tích cao như học sinh: Lường Văn Din, Lò Thị Minh, Phùng Hoài Thương...

Học sinh Trường THPT Thanh Nưa tập thể dục.

Trải qua 10 năm, 52 nhà giáo đã và đang công tác tại mái trường này. Nhiều người nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang lĩnh vực công tác khác nhưng chính họ đã là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng giáo dục của Trường. Hiện 100% cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường có trình độ chuẩn và trên chuẩn. Có 7 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 14 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Trường. Tập thể hội đồng sư phạm Trường luôn tìm tòi đổi mới phương pháp quản lý, chăm lo chỗ ăn, chỗ ở cho học sinh bán trú, tất cả vì học sinh, vì mái trường thân yêu. Do đó, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh (giai đoạn 2015 - 2019) đạt 107 em, tăng so với giai đoạn 5 năm đầu. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp hàng năm đạt trên 95%, trong đó tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi trung bình đạt 44.2%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung bình hàng năm đạt 97,9%, trong đó nhiều năm đạt 100%.

Trong thời gian tới, Trường xác định rõ và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển quy mô trường lớp và số lượng học sinh; giữ vững tiêu chí trường chuẩn quốc gia; tiếp tục ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục, dựa trên nền tảng nâng cao chất lượng đội ngũ, kết hợp đẩy mạnh đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá. Trường chú trọng việc kết hợp hài hòa giữa giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục kĩ năng sống gắn liền với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, để đào tạo những thế hệ học sinh có tri thức, có đạo đức góp phần xây dựng quê hương, đất nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập.

Ðể thực hiện mục tiêu đó, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường xác định các nhóm giải pháp căn bản. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh dạy và học theo định hướng phát triển năng lực, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá chất lượng dạy và học; khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phát triển các câu lạc bộ thể dục thể thao để phát triển giáo dục toàn diện; tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh…

Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Thanh Nưa đã trở thành địa chỉ giáo dục có chất lượng để con em đồng bào dân tộc các xã: Mường Pồn, Thanh Nưa, Hua Thanh, Thanh Luông… được học tập, rèn luyện và trưởng thành. Ngôi trường đã trở thành mái nhà chung của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh của Trường.